Trên cơ sở định hướng phát triển của Viện Ứng dụng Công nghệ (UDCN) giai đoạn 2025 và tầm nhìn 2030, Định hướng phát triển của Viện UDCN trong giai đoạn trung và dài hạn là tập trung vào lĩnh vực Quang điện tử ứng dụng trong đó công nghệ về hệ thống vi cơ điện tử (MEMS/NEMS) là một hướng nghiên cứu trọng tâm của Viện. Ngày 22/12/2016, Viện UDCN đã tổ chức “Hội thảo về công nghệ MEMS/NEMS và kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực”.
Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của các chuyên gia đến từ trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam,…với các vấn đề thảo luận: Thiết bị phòng thí nghiệm MEMS/NEMS và một ví dụ hợp tác tiềm năng với các phòng thí nghiệm khác tại Việt Nam trong nghiên cứu chế tạo chip ảnh hồng ngoại nhiệt; Vai trò của giáo dục sau đại học, sáng tạo, khởi nghiệp trong việc tăng khả năng tìm việc làm và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Công nghệ MEMS/NEMS và ứng dụng trong Y sinh và Nông nghiệp,…
Lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng trên sẽ bắt nhịp được xu hướng phát triển trên thế giới đồng hành với các lĩnh vực nằm trong chủ trương phát triển khoa học công nghệ của Chính phủ và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhằm tăng cường năng lực để từng bước hiện đại hoá các đơn vị nghiên cứu thuộc Viện.
Các cán bộ tham gia Hội thảo
Được sự quan tâm của Bộ KH&CN, năm 2016 Viện cũng đã được phê duyệt đầu tư đối với dự án “Phòng thí nghiệm nghiên cứu thiết kế chế tạo các linh kiện cảm biến dựa trên công nghệ MEMS/NEMS – Quang điện tử và Khu Nghiên cứu Chế thử sản phẩm công nghệ cao (CNC)” tại địa điểm của Viện tại Khu CNC Hoà Lạc. Đây cũng là bước chân đầu tiên của Viện UDCN lên khu CNC Hòa Lạc trong chiến lược phát triển. Với vị trí đầu tư tại Khu CNC Hoà Lạc sẽ là cơ sở để Viện có thể tận dụng hạ tầng hiện đại khu vực đồng thời liên kết hợp tác với các tổ chức (là đơn vị nghiên cứu/doanh nghiệp) đang hoạt động tại chính Khu CNC Hoà Lạc cũng như các đơn vị trong cả nước và nước ngoài.
PGS. TS. Mai Anh Tuấn – Viện Đào tạo Quốc tế về Khoa học Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội báo cáo tham luận tại Hội thảo
Mục đích của Phòng thí nghiệm MEMS/NEMS và khu nghiên cứu chế thử CNC là tạo ra các sản phẩm tiền công nghiệp (sản phẩm nguyên mẫu) để có thể chuyển giao công nghệ và đưa vào sản xuất ở quy mô công nghiệp. Đây sẽ là môi trường thuận lợi để các nhà nghiên cứu hình thành và hoàn thiện ý tưởng/nghiên cứu khoa học nhằm ứng dụng vào thực tế cuộc sống.
Thông qua Hội thảo này, Viện UDCN mong muốn các diễn giả, các chuyên gia có mặt tại Hội thảo chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình nghiên cứu, vận hành phòng thí nghiệm cũng như giải pháp thu hút và đào tạo nguồn nhân lực.
Nguồn: Viện Ứng dụng công nghệ