Hội nghị Tổng kết Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới”, Mã số KC.02/11-15

Ngày 30/3/2016, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới”, mã số KC.02/11-15 (Chương trình KC.02/11-15) tại Hà Nội.
 
 
Tham dự Hội nghị Tổng kết Chương trình có đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, đại diện Lãnh đạo Vụ KH&CN – Bộ Công Thương, các thành viên trong Ban Chủ nhiệm Chương trình, đại diện các đơn vị chủ trì các nhiệm vụ và đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học.
Thay mặt Ban Chủ nhiệm Chương trình KC.02/11-15, GS.TS. Nguyễn Việt Bắc – Chủ nhiệm Chương trình đã báo cáo, đánh giá kết quả hoàn thành tốt mục tiêu, nội dung và sản phẩm đặt ra với 239 sản phẩm trong đó có 108 loại vật liệu, sản phẩm thành phẩm, dây chuyền công nghệ, 131 quy trình công nghệ, thiết kế, mô hình ứng dụng; có 25 bài báo, báo cáo được đăng trên tạp chí khoa học công nghệ và hội nghị quốc tế và 104 bài báo, báo cáo được đăng trên các tạp chí KH&CN và hội nghị khoa học Quốc gia; tham gia đào tạo sau đại học 23 nghiên cứu sinh, 33 thạc sỹ.
 
Một số kết quả nổi bật của Chương trình: Có 70 công nghệ và vật liệu mới có khả năng ứng dụng trong thực tiễn được tạo ra từ 19 nhiệm vụ; Có 03 hồ sơ đăng ký độc quyền sáng chế và 14 hồ sơ đăng ký giải pháp hữu ích thuộc 16 nhiệm vụ; Trong số 239 sản phẩm của chương trình, có 55 loại sản phẩm đã bắt đầu được thương mại hóa và chắc chắn sẽ được thương mại hóa, cụ thể: Nano clay MMT, bột huỳnh quang 3 màu, lốp máy bay bơm hơi không săm, lõi neo cáp bê tông dự ứng lực, màng bảo quản rau quả, thực phẩm, sơn vô cơ chịu nhiệt, sáp phức hợp cho thuốc nổ nhũ tương, chất tẩy rửa siêu hoạt tính, ván lát và ốp tường sử dụng trong ngành vật liệu xây dựng…
 
Về hướng nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình, GS.TS. Nguyễn Việt Bắc cho rằng “Vật liệu đóng vai trò quyết định trong các tiến bộ công nghệ hiện đại; Vật liệu tiên tiến hơn, chất lượng hơn quyết định cạnh tranh trên quy mô quốc tế, vật liệu quyết định tuổi thọ, độ tin cậy của sản phẩm. Không thể có nền công nghiệp phát triển mà không gắn liền với sự phát triển của ngành công nghiệp vật liệu”. Giáo sư đề xuất một số định hướng cho Chương trình vật liệu giai đoạn 2016-2020 như sau:
 
+ Lộ trình nghiên cứu phát triển vật liệu cần có sự thay đổi. Không thể chỉ dừng ở chỗ nghiên cứu ra vật liệu mà cần đi đến linh kiện và sản phẩm cụ thể. 
 
+ Cần có sự định hướng rõ ràng, sự đặt hàng chính xác và mối quan hệ chặt chẽ giữa nghiên cứu với sản xuất, sử dụng. Quy mô đầu tư nghiên cứu và tổ chức triển khai cần có đổi thay lớn. Việc chọn vật liệu gì và công nghệ nào để nghiên cứu phụ thuộc trước hết và trên hết ở nhu cầu thực tế của xã hội.
 
+ Việc tham gia đầu tư cho nghiên cứu của doanh nghiệp và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào doanh nghiệp sẽ góp phần đáng kể vào việc chuyển hướng xây dựng, chọn lựa và triển khai các đề tài, dự án các cấp, nhất là ở cấp Nhà nước.
 
+ Các định hướng nghiên cứu của chương trình nghiên cứu về vật liệu cần đồng bộ với các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và các Chương trình trọng điểm khác của Nhà nước để có thể phối hợp và nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học công nghệ.
 
+ Nghiên cứu về vật liệu là hết sức cần thiết và quyết định cho sự ổn định lâu dài của xã hội và nền kinh tế. Tiến bộ đạt được trong nghiên cứu và phát triển vật liệu chính là thước đo tiến bộ kỹ thuật công nghệ quốc gia.
 
+ Các hướng nghiên cứu chính: Nhóm vật liệu chế biến sâu tài nguyên Việt Nam (Quặng kim loại, khoáng vật tự nhiên…) tạo giá trị gia tăng cao; Vật liệu phục vụ công nghiệp phụ trợ, góp phần tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu; Vật liệu tiên tiến: y sinh, năng lượng, chiếu sáng, cảm biến, Vật liệu đáp ứng nhu cầu an ninh quốc phòng.
 
Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, ông Nguyễn Thiện Thành – Giám đốc Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước đánh giá cao những thành tựu mà Chương trình KC.02/11-15 đã đạt được đồng thời gửi lời cám ơn đến các thành viên Ban chủ nhiệm và các nhà khoa học đã đóng góp vào thành công của Chương trình. Ông cũng bày tỏ mong muốn các nhà quản lý, các nhà khoa học tiếp tục đồng hành cùng Bộ KH&CN thực hiện Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới” trong giai đoạn 2016-2020 có hiệu quả cao và đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển các ngành kinh tế.
 
Hội nghị Tổng kết Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới”, mã số KC.02/11-15 đã kết thúc tốt đẹp cùng ngày.
 
Nguồn:  Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế – kỹ thuật
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *