Hội nghị phát triển doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ năm 2016

 
Trong khuôn khổ các hoạt động thường niên nhằm tổng kết, đánh giá thực tiễn hoạt động xúc tiến phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, sáng nay (21/12) tại tỉnh Kiên Giang, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu – Ứng dụng – Phát triển thương hiệu Việt (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức Hội nghị doanh nghiệp KH&CN năm 2016.
 
Đây là Hội nghị thường niên được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp KH&CN để tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN, tìm ra các giải pháp hiệu quả thúc đẩy sự phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN.
 
Hội nghị doanh nghiệp KH&CN năm 2014 được tổ chức tại Phú Thọ và năm 2015 ở TP Hồ Chí Minh đã thu hút hơn 200 doanh nghiệp KH&CN và doanh nghiệp tiềm năng tham gia. Sự kiện đã trở thành diễn đàn đối thoại giữa các doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN và các cơ quan quản lý nhà nước nhằm trao đổi về những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực thi chính sách về doanh nghiệp KH&CN, tạo cơ hội kết nối các doanh nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm phát triển và tìm kiếm cơ hội hợp tác.
 
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng Phát biểu khai mạc Hội nghị 
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng khẳng định: Hội nghị phát triển doanh nghiệp KH&CN năm 2016 được tổ chức trong một bối cảnh đặc biệt. Đây là năm được xác định là năm khởi nghiệp quốc gia, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng. Hội nghị không chỉ nhằm đánh giá về tình hình phát triển doanh nghiệp KH&CN toàn quốc năm 2016, chia sẻ kinh nghiệm phát triển doanh nghiệp KH&CN ở một số địa phương tiêu biểu mà còn giới thiệu về các chính sách mới nổi bật về doanh nghiệp KH&CN, trao đổi về dự thảo Nghị định mới về phát triển doanh nghiệp KH&CN. Đồng thời, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cũng bày tỏ mong muốn qua Hội nghị này, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ đề xuất được các giải pháp khả thi và hiệu quả nhằm tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại trong hoạt động phát triển doanh nghiệp KH&CN, các doanh nghiệp sẽ tiếp cận được những chính sách hỗ trợ mới của Nhà nước, tăng cường sự hợp tác với các tổ chức KH&CN và giữa các doanh nghiệp để cùng phát triển.
 
Hiện nay, việc phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN được khẳng định là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 của Đảng và Nhà nước. Theo Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 sẽ hình thành 5000 doanh nghiệp KH&CN. Với tiềm lực của các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực KH&CN hiện nay, mục tiêu này là hoàn toàn có khả năng đạt được. Tuy nhiên, tính đến tháng 6/2016 số lượng doanh nghiệp KH&CN được cấp giấy chứng nhận còn rất khiêm tốn so với tiềm năng hình thành hệ thống doanh nghiệp KH&CN ở Việt Nam. Theo báo cáo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, tính đến tháng 6/2016 cả nước có 234 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận Doanh nghiệp KH&CN và nhiều hồ sơ đăng ký chứng nhận đang trong quá trình thẩm định, họp hội đồng đánh giá. 
 
 
Toàn cảnh Hội nghị phát triển Doanh nghiệp KH&CN năm 2016
 
Ông Trần Xuân Đích – Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho biết: Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng một số doanh nghiệp KH&CN vẫn đạt được doanh thu, lợi nhuận cao tiêu biểu như: Tổng Công ty thiết bị Điện Đông Anh đạt doanh thu 1808 tỷ đồng, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung đạt doanh thu 1493 tỷ đồng,… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp KH&CN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm số lượng lớn, sử dụng nhiều kết quả KH&CN đều kinh doanh hiệu quả, có doanh thu và lợi nhuận cao như Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương đạt doanh thu 772 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 156,5 tỷ đồng.
 
Để thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp KH&CN trong thời gian tới, cần tập trung vào các định hướng và giải pháp cơ bản như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN; Tăng cường trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đối với việc phát triển doanh nghiệp KH&CN; Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về doanh nghiệp KH&CN; Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường công nghệ, trong đó chú trọng đẩy mạnh việc giao các kết quả nghiên cứu có nguồn gốc từ NSNN để thành lập doanh nghiệp KH&CN tham gia chương trình phát triển thị trường KH&CN để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. 
 
Nguồn:  Ánh Tuyết, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *