|
Ảnh minh họa
|
Đánh giá tình hình hoạt động xuất bản 6 tháng đầu năm 2014, hội nghị nêu rõ những kết quả đã đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế của hoạt động xuất bản trong thời gian qua; trên cơ sở đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác xuất bản trong những tháng còn lại của năm 2014.
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2014, các nhà xuất bản trên toàn quốc đã tiến hành đăng ký xuất bản trên 21.400 cuốn. Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xác nhận hơn 20.900 cuốn (giảm 43,8% so với cùng kỳ năm 2013). Về lưu chiểu xuất bản phẩm, tính đến ngày 30/6/2014, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là hơn 12.900 cuốn với gần 193,600 triệu bản (giảm 0,6% về số cuốn, giảm 12% về số bản so với cùng kỳ năm 2013). Trong công tác kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu, 6 tháng đầu năm 2014, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã xử lý 49 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung của 25 nhà xuất bản. Ngoài ra, cơ quan quản lý còn xử lý, giải quyết 88 xuất bản phẩm vi phạm khác như: Vi phạm về thông tin ghi trên xuất bản phẩm, thực hiện sai so với xác nhận đăng ký xuất bản và vi phạm bản quyền tác giả…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực và những kết quả quan trọng mà toàn ngành cũng như hoạt động xuất bản đã đạt được trong thời gian qua. Bên cạnh đó, ông Kỷ lưu ý các đơn vị liên quan cần tập trung và sớm khắc phục các vấn đề bất cập, các mặt còn hạn chế, yếu kém, đặc biệt là tình trạng buông lỏng quản lý nội dung xuất bản phẩm trong quá trình liên doanh, liên kết. Vấn đề liên kết xuất bản tiếp tục có những dấu hiện đáng quan ngại, khá nhiều vụ việc vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chỉ đạo, quản lý và cơ quan chủ quản; công tác chỉ đạo, quản lý, công tác chủ quản nhà xuất bản chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi mới, ngày càng phức tạp của hoạt động xuất bản.
Để thực hiện tốt công tác xuất bản trong những tháng còn lại của năm 2014, ông Nguyễn Thế Kỷ yêu cầu các nhà xuất bản, công ty in và phát hành tập trung thực hiện các nội dung và nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, các ngành, đơn vị liên quan cần tích cực tuyên truyền, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; khẳng định trên cả phương diện lịch sử và pháp lý chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển trên biển Đông. Đồng thời, ngành xuất bản cần phát huy ưu điểm, thành tích; khắc phục hạn chế, khuyết điểm; đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và các nghị quyết của Trung ương, phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng…
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Kỷ cũng lưu ý, toàn ngành cần quan tâm, chú trọng nhiều hơn đến xuất bản điện tử, vì đây là xu hướng tất yếu của xuất bản hiện đại, tiếp tục tập trung giải quyết một số vấn đề trọng tâm của ngành như mô hình nhà xuất bản; chính sách thuế, giá thuê nhà, thuê đất của các nhà xuất bản, đơn vị in phát hành; tích cực đưa Quỹ hỗ trợ xuất bản vào hoạt động có hiệu quả; phối hợp triển khai kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và kiến nghị của các nhà xuất bản để có sự chỉ đạo, phối hợp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, giúp nhà xuất bản vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị – kinh tế năm 2014. Trên cơ sở thực tế thực hiện nhiệm vụ xuất bản thời gian qua, các đại biểu tham dự hội nghị thống nhất định hướng thông tin, đôn đốc các nhà xuất bản rà soát lại kế hoạch đề tài và kế hoạch xuất bản nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành những đề tài phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, nhanh chóng bổ sung, cập nhật những đề tài mới đáp ứng yêu cầu cấp thiết đã và đang đặt ra./.