Câu chuyện về ông già bán sách ở 180B Bà Triệu có lẽ đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài khi một phóng viên của BBC đã có lần “trộm phỏng vấn” ông già khó tính này.
“Hà Nội này giờ nổi tiếng về sách cũ chỉ có tôi với ông Cảnh…”
Câu chuyện về ông già bán sách ở 180B Bà Triệu có lẽ đã nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài khi một phóng viên của BBC đã có lần “trộm phỏng vấn” ông già khó tính này.
Hiệu sách 180B Bà Triệu.
Tọa lạc ngay giữa mặt đường Bà Triệu với chiếc biển sờn cũ kĩ, nếu không để ý chắc chắn bạn sẽ bỏ qua cánh cửa treo dăm ba quyển sách với mấy kệ gỗ khiêm tốn mà chi chít những quyển tạp chí, sách báo ngả màu này. Nhưng khi hỏi đến ông Dư bán sách, hầu như không ai ở cái ngõ này là không biết, ông già gàn dở, khó tính.
Một góc tạp chí trưng bày trong hiệu.
Kẻ bán sách gàn dở
Mở hiệu sách này đã hơn 40 năm, ông được coi là một trong những người gắn bó, tận tụy với sách đến cả cuộc đời. Bước vào hiệu sách nhỏ của ông, tôi như bị choáng ngợp bởi không phải một mô hình sách rộng lớn, khang trang như trong các thư viện mà ở sự heo hút của những chồng sách chót vót chạm đến trần nhà. Từng ngách nhỏ la liệt những cuốn sách đủ loại nhưng phần lớn đã ngả màu xưa cũ.
Ông già cứ ở vậy với đống sách này, ăn uống, ngủ nghỉ với những cuốn sách. Được biết trước kia ông vốn là dân kỹ sư xây dựng, có lần cuộc sống khó khăn, túng thiếu, ông phải bán cả những cuốn sách của mình. Vốn có đầu óc kinh doanh, sau này ông đã mua lại sách để bán cho những người có nhu cầu.
Khác với những hiệu sách cũ ở Hà Nội chuyên biệt từng loại thì sách của ông già Bà Triệu đủ loại, từ Tây, Tàu, đến Ta. Mỗi khi khách hỏi tìm sách, ông già hách dịch thường khinh khỉnh hỏi lĩnh vực mà khách muốn rồi lục tìm đâu đó trong biển sách, phủi bụi và đưa cho khách. Những cuốn sách hay được tìm ông thường bày ngay trước giá dưới, còn có cuốn thiên hạ ít khi dòm ngó thì ông cho nó tọa lạc, cất giấu tít trên tận mái cao.
Thoạt đầu nhìn vào khuôn viên nhỏ bé lộn xộn ấy người ta thấy hoa mắt nhưng đối với ông già hơn 40 năm gắn bó với từng cuốn sách thì nó không hề lộn xộn bởi từng cuốn ở đâu, vị trí nào ông đều nhớ.
Người ta nói ông có một cái đầu như cuốn bách khoa toàn thư bởi nhắc đến bất cứ một vấn đề nào từ khoa học, kỹ thuật, chiến tranh hay văn học ông đều “đối đáp” hầu chuyện được nếu người mua có bất chợt muốn ngồi hàn huyên. Tôi đã từng chứng kiến ông hầu chuyện một vị khách già đam mê âm nhạc, sau hồi nói chuyện ông chủ hiệu sách còn biết vị khách kia thích những tác phẩm trinh thám cổ của Nga. Ông tiết lộ một trong những bí quyết kinh doanh của mình chính là biết người khách của mình muốn gì, chính vì vậy ông đọc rất nhiều, nó là niềm đam mê, sự yêu thích muốn được khám phá, khai sáng trí tuệ.
Một người yêu sách ghé hiệu của ông Dư.
Một ông lão hơn 70 tuổi, hằng ngày ra vào với những cuốn sách đã không còn lạ lẫm với những người yêu thích sách cũ. Người ta tìm đến ông như tìm đến những khung giá trị xưa cũ của sách cổ. Nổi tiếng là bán sách đắt nhưng mỗi cuốn sách đều có giá trị, khi nó được sở hữu bởi một độc giả có giá trị thì bỗng nhiên bao nhiêu tiền cho cuốn sách đó cũng chẳng quan trọng nữa. Ông già cũng chia sẻ có những cuốn sách trở đi trở lại với ông đến mấy lần. Lúc đó ông thực sự vui vì nó tạo ra một vòng tuần hoàn, chứng tỏ cuốn sách có giá trị nên nó được nhiều người sử dụng.
Bể học là vô tận, người ta có thể học ở giữa đời, học từ những con người nhưng đối với sách, nó luôn là một kho tàng khổng lồ. Những con người bán sách như ông Cảnh hay ông Dư vẫn luôn lưu giữ những giá trị muôn đời trong từng cuốn sách bởi họ có một cái “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.
Nguồn: http://hanoiiplus.com/hieu-sach-80b-ba-trieu-bien-sach-co-menh-mong-giua-long-ha-noi/