​Hãy “vào sân” cùng với sách khoa học

 
TT – Dường như người Việt Nam lâu nay không chú ý lắm đến việc phát triển các dòng sách khoa học… nội địa. 
 
TS Giáp Văn Dương đang nói về tình hình “làm khoa học từ khán đài” tồn tại lâu nay ở Việt Nam – Ảnh: L.Điền
Nên đầu tư cho các em thiếu nhi về mảng khoa học, bởi đây mới chính là tương lai của đất nước, nếu không tương lai của ta cũng chỉ là sự mở rộng quá khứ mà thôi, kiểu như học để đi thi, học để kiếm tiền, học để lấy bằng… mà không có đột phá nào. Muốn đột phá thì chỉ có các em thiếu nhi
TS Giáp Văn Dương
“Chúng tôi từng làm một cuộc tìm hiểu các nhà sách ở Hà Nội, tại khu sách thiếu nhi không có tấm biển “sách khoa học” nào cả. Ở khu vực sách người lớn thì có biển “sách khoa học”, nhưng nơi đó lại bày bán chủ yếu là sách kỹ năng như thai sản, nấu ăn, các ngành công nghiệp…”. – ông Ðỗ Hoàng Sơn, giám đốc Công ty văn hóa giáo dục Long Minh, nói về sự thiếu chỉ dẫn trong việc đọc sách khoa học ngay tại các nhà sách.
 
11 năm làm khoảng 200 đầu sách
 
Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ có vậy. Một cuộc tọa đàm có chủ đề “Thói quen đọc sách khoa học” do Công ty Ðông A tổ chức sáng 19-3 tại TP.HCM với ba diễn giả là ông Ðỗ Hoàng Sơn, TS Giáp Văn Dương và dịch giả Nguyễn Việt Long đã thu hút được nhiều ý kiến và làm bật ra một số ý tưởng không chỉ gói gọn trong không gian tìm – đọc sách khoa học.
 
Dường như người Việt Nam lâu nay không chú ý lắm đến việc phát triển các dòng sách khoa học… nội địa. Một phóng viên báo mạng nêu vấn đề: chúng ta có những công trình khoa học về y khoa, dược liệu, sao không thấy xuất bản? Và câu trả lời là thật ra chúng ta còn ít quá những công trình khoa học. Ngay cả thành tựu về phẫu thuật gan của giáo sư Tôn Thất Tùng cũng mới dừng lại ở báo cáo/bài báo khoa học, chứ chưa thể thành sách.
 
Còn các công trình có tính khoa học như nghiên cứu về “Các cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của Ðỗ Tất Lợi, theo dịch giả Nguyễn Việt Long, đến nay đã có một số lạc hậu về tên khoa học cũng như cần cập nhật các phát hiện mới nhưng vẫn chưa thấy làm.
 
Thế nhưng sách dịch cũng không nhiều, ông Ðỗ Hoàng Sơn nhẩm tính mảng sách khoa học của ta nếu tính ở những đầu sách đáng kể, có chất lượng, từ những đơn vị xuất bản uy tín như NXB Trẻ, Kim Ðồng, Ðông A, Long Minh trong 11 năm qua làm khoảng 200 đầu sách.
 
Trong khi nhớ lại nước Nhật cách đây 150 năm khi bắt đầu cải cách vào thời Minh Trị, họ đã dịch khoảng 1.500 cuốn sách khoa học cần thiết để người dân trong nước được đọc và được học.
 
“Ngồi trên khán đài”
 
Tình hình sách khoa học từ hai phía bên trong và bên ngoài như vậy phản ánh thực trạng làm khoa học, dạy khoa học và học khoa học ở nước ta, TS Giáp Văn Dương nói một cách hình tượng là tất cả đều đang trên khán đài, còn cuộc sống thì diễn ra như trên sân cỏ.
 
Tức là trẻ em trong trường không được dạy về khoa học đúng cách, các bài giảng và sách giáo khoa, sách tham khảo cũng được soạn từ những người “ngồi trên khán đài”, chứ không phải sản phẩm từ thực tế sân cỏ khoa học.
 
Kinh nghiệm từ khán đài và từ sân cỏ là rất khác nhau, hệ lụy là nhiều thế hệ người Việt không có tinh thần đam mê khoa học, nhiều người nhác trông thấy sách khoa học là cho rằng khô khan không nên đọc, các vấn đề sáng tạo, các thành tựu sáng chế của nước người thậm chí còn không có ý định tìm hiểu, thì làm sao khuyến khích hay giáo dục con em đam mê khoa học cho được.
 
Theo TS Giáp Văn Dương, việc dạy cho các em một định nghĩa khoa học có sẵn theo cách học thuộc lòng thì rất khó tiếp thu. Kiểu như bắt các em học “Nước là một chất lỏng không màu, không mùi, sôi ở 100OC…” là cách dạy khoa học từ khán đài. Và ông đã từng xây dựng bài giảng về định nghĩa nước này theo kiểu đưa các em “vào sân cỏ thực tế”, để cho các em tự tìm hiểu, chứng kiến quá trình nước sôi bốc thành hơi hoặc nước đông lạnh thành đá.
 
Và để có thể “vào sân” cùng sách khoa học, phần việc của “người lớn” cũng thật nhiều. Ðó là việc chuẩn hóa thuật ngữ khoa học để bổ trợ cho công tác dịch sách khoa học.
 
Dịch giả Nguyễn Việt Long than rằng từ điển khoa học của chúng ta ít quá, sách tra cứu cũng vậy, ngay trong lĩnh vực sinh vật cũng ít sách tra cứu, nên công việc dịch thuật bị ảnh hưởng rất nhiều do các loại sách công cụ không được đầy đủ.
 
Ảnh: Đông A
 
Buổi tọa đàm cũng là buổi ra mắt hai tập sách kinh điển của NXB Anh Dorling Kindersley (DK) với bản tiếng Việt do Công ty Đông A phối hợp với NXB Dân Trí và NXB Y Học phát hành. 
Lịch sử tự nhiên và Atlas giải phẫu cơ thể người là hai nhan đề quan trọng trong tủ sách Bách khoa tri thức do Đông A Books thực hiện nhiều năm nay, với những sản phẩm được nhiều bạn đọc đón nhận như Bách khoa tri thức bằng hình, Bách khoa động vật, Bách khoa lịch sử thế giới, Bách khoa tri thức phổ thông…
 
Lịch sử tự nhiên với hơn 5.000 hình minh họa và dữ liệu bổ ích về khoáng vật, đá, hóa thạch và sinh giới trên Trái đất mở ra cánh cửa khám phá thế giới tự nhiên chứa đựng vô vàn những điều kỳ thú trên hành tinh của chúng ta.
 
Còn Atlas giải phẫu cơ thể người của BS Alice Roberts là cuốn cẩm nang trực quan và chi tiết giúp hiểu cơ thể người và nguyên nhân, cơ chế của các bệnh lý thường gặp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *