Giao lưu trực tuyến: Tăng kết nối đầu tư Startup Việt thông qua Techfest

Vào lúc 09h00 ngày 21/11/2018 sẽ diễn ra buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo điện tử Dân trí xung quanh chủ đề “ Hướng đi cho Startup Việt vươn ra thế giới: Tăng kết nối đầu tư thông qua Techfest”.
 
Những vấn đề như “Làm thế nào giải quyết bài toán kết nối giữa hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế?”, “Làm thế nào quảng bá, giới thiệu các startup tiêu biểu của Việt Nam ra quốc tế…?” sẽ được các nhà quản lý, chuyên gia và startup trao đổi nhân dịp này.
Buổi giao lưu do Báo điện tử Dân trí phối hợp với Trung tâm nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức.
Tại Việt Nam, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang phát triển mạnh mẽ. Thống kê của tạp chí Echelon (Singapore), một trong những tạp chí online lớn nhất về khởi nghiệp ở Đông Nam Á, Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, tăng gần gấp đôi so với số liệu ước tính cuối năm 2015 (khoảng 1.800 doanh nghiệp).
Hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cả nước được đánh giá là “tăng trưởng cao” và “ngày càng bài bản hơn”. Các dự án thu hút hơn 40 quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, trong số đó phần lớn là quỹ đầu tư nước ngoài. Số lượng giao dịch có sự tham gia của các nhà đầu tư quốc tế chiếm hơn 30%; giá trị đầu tư từ quốc tế cũng cao gấp hơn 5 lần so với đầu tư trong nước; các khoản đầu tư lớn nhất trong năm 2017 vừa qua cũng đến từ các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, để thu hút nguồn đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam, rất cần tập trung kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước với quốc tế. Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán khó.
Để giải bài toán này, cần có cơ chế chính sách tăng cường thiết lập các hoạt động chung, kết nối kiều bào, tri thức Việt Nam ở nước ngoài với doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước, qua đó trao đổi, học hỏi và nâng cao chất lượng hệ sinh thái khởi nghiệp nước ta. Mặt khác, các công ty/dự án khởi nghiệp trong nước nên sớm định hướng mục tiêu phát triển thị trường quốc tế (Go Global), thay đổi cách tiếp cận của đại đa số các startup hiện nay vốn chủ yếu phát triển sản phẩm và tìm kiếm khách hàng, nguồn thu… từ thị trường trong nước.
Do vậy, nội dung của buổi giao lưu trực tuyến sẽ tập trung giải đáp các vấn đề liên quan: Cơ chế chính sách liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Vai trò của các tổ chức/cá nhân trong việc hỗ trợ, ươm tạo, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ, giúp các startup vươn ra thị trường và kết nối quốc tế; Vai trò của các doanh nghiệp lớn, các quỹ đầu tư, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài… trong việc thúc đẩy và hỗ trợ startup Việt; Vai trò của các quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong việc kết nối các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước; Chia sẻ kinh nghiệm thực tế cho các startup về việc xây dựng đội ngũ nhân sự từ lúc khởi đầu và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho doanh nghiệp trong gian đoạn tăng trưởng mạnh mẽ; Định hướng mục tiêu phát triển thị trường quốc tế (Go Global)… ; Tăng cường quảng bá tuyên truyền để các nhà đầu tư quốc tế hiểu và nhìn nhận rõ nét hơn về startup Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *