Đưa sở hữu trí tuệ thành một ngành kinh tế

“Sở hữu trí tuệ (SHTT) phải khắc phục được những tồn tại trong giai đoạn trước đó, phải là một ngành kinh tế thực sự, trở thành động lực phát triển doanh nghiệp của đất nước” – Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu.
 
Phát triển tài sản trí tuệ từ hoạt động sáng tạo
 
Xây dựng chiến lược quốc gia về SHTT với mục tiêu đến năm 2030 có được một hệ thống SHTT “hành động kịp thời, thực thi hiệu quả, thúc đẩy sáng tạo, gia tăng giá trị” là chủ đề buổi tọa đàm do Cục SHTT Việt Nam phối hợp với Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) tổ chức vào ngày 8/3.
 
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) kiêm Cục trưởng Cục SHTT Trần Việt Thanh thừa nhận một thực tế, tuy SHTT là một trong những lĩnh vực quan trọng trong việc phát triển KH&CN nói riêng và phát triển kinh tế nói chung, nhưng so với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong xu thế hội nhập tích cực và sâu rộng, lĩnh vực SHTT ở Việt Nam hiện chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và nhiệm vụ của mình.
 
 
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh phát biểu tại buổi tọa đàm xây dựng chiến lược quốc gia về SHTT. Ảnh: Loan Lê
Thứ trưởng xác định, để SHTT thực sự trở thành một động lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Bộ KH&CN – mà cụ thể là Cục SHTT – có một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là phải khắc phục được những tồn tại về lĩnh vực này trong giai đoạn trước đó. SHTT phải là một ngành kinh tế thực sự, trở thành một động lực phát triển doanh nghiệp của đất nước.
 
Thực hiện nhiệm vụ đó, Cục SHTT đã xây dựng dự thảo Chiến lược SHTT quốc gia Việt Nam. Chia sẻ về chiến lược này, ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục SHTT – cho biết: Mục tiêu của hệ thống SHTT quốc gia là khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo đổi mới, phát triển công nghệ, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo khả năng cạnh tranh lành mạnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của KH&CN và kinh tế – xã hội của đất nước, từ đó tạo ra các đối tượng của SHTT.
 
Theo ông Lê Ngọc Lâm, trong quá trình xây dựng hệ thống chiến lược quốc gia về SHTT, WIPO đã giúp Việt Nam rất nhiều, như việc cung cấp kiến thức chuyên môn, công cụ và ý kiến tư vấn.
 
“Quan hệ chiến lược thông qua việc xây dựng chiến lược phù hợp với các chính sách và mục tiêu phát triển hiện tại của đất nước, hỗ trợ việc triển khai chiến lược SHTT quốc gia” – ông Lâm nói.
 
Bảo vệ và kinh doanh chất xám
 
Đánh giá tầm quan trọng của Chiến lược SHTT quốc gia Việt Nam, ông Ye Min Than – cán bộ chương trình cao cấp Vụ Châu Á – Thái Bình Dương thuộc WIPO – nhấn mạnh: “SHTT là yếu tố rất quan trọng trong sự phát triển của các nền kinh tế, sự phát triển đó phụ thuộc vào chất xám chứ không phải các điều kiện đất đai, khí hậu, tài nguyên… Nó thể hiện sự phụ thuộc nhiều hơn của nền kinh tế vào tri thức của con người. Từ đó chúng ta có thể thấy rằng, nếu không có được chiến lược SHTT quốc gia rõ ràng thì sẽ không thể thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế”.
 
Theo ông Ye Min Than, chiến lược SHTT quốc gia sẽ tạo được kết nối giữa các vấn đề, thách thức đang gặp phải trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, nông nghiệp, thương mại, môi trường… Ví dụ, trong lĩnh vực văn hóa, nạn vi phạm bản quyền sẽ được khắc phục bằng việc xây dựng cơ chế quyền tác giả, đồng thời nâng cao tập huấn kiến thức về bản quyền cho các nghệ sỹ, tác giả.
 
Dự thảo Chiến lược SHTT quốc gia xác định mục tiêu nâng cao hiệu quả của hệ thống xác lập quyền. Đến năm 2030, Việt Nam phải xây dựng được một hệ thống xác lập quyền SHTT hiện đại, thời hạn xử lý đơn được rút ngắn, chất lượng xử lý bảo đảm và có tính minh bạch, thân thiện với người nộp đơn.
 
Các mục tiêu khác là tăng cường hoạt động sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ, bảo đảm tài sản trí tuệ trở thành một trong những nguồn lực chính cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua việc sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ; tạo ra mô hình tăng trưởng sản xuất, kinh doanh dựa trên kết quả hoạt động sáng tạo – các đối tượng SHTT có chất lượng cao. Doanh nghiệp thành chủ thể chính tạo ra các đối tượng SHTT quan trọng. Cũng theo dự thảo chiến lược, trường đại học và viện nghiên cứu trở thành lực lượng sáng tạo quan trọng các tài sản SHTT.
 
Để các mục tiêu này thành hiện thực, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền SHTT cần được đặt ra, cụ thể như sắp xếp lại cấu trúc cơ chế thực thi quyền SHTT; nâng cao năng lực bộ máy thực thi quyền SHTT; tăng cường bảo vệ quyền SHTT của tổ chức, cá nhân Việt Nam ở nước ngoài.
 
Kỳ vọng vào chiến lược này, Thứ trưởng Trần Việt Thanh khẳng định: “Bản thân SHTT không phải là mục đích, mà là một công cụ để thực hiện các mục tiêu chính sách công và các mục tiêu phát triển”.
 
Loan Lê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *