Đại diện một số đơn vị xuất bản, phát hành chia sẻ kế hoạch và những thể loại, đầu sách sẽ thực hiện trong năm nay.

Trải qua một năm với nhiều biến động do đại dịch, ngành xuất bản gặp nhiều khó khăn. Bước sang năm Nhâm Dần, nhiều nhà xuất bản, công ty sách lên kế hoạch chuẩn bị cho những dự án, dòng sách, tựa sách mà đơn vị mình sẽ thực hiện trong thời gian tới.

Phát triển các dòng sách chuyên biệt

Ông Lê Lân – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Nông nghiệp – thông tin kế hoạch lớn mà đơn vị ông đang cho triển khai là thực hiện bộ sách 1001 cách làm ăn của người nông dân, thể theo chủ trương.

Hiện Nhà xuất bản Nông nghiệp vừa hoàn thành một số cuốn đầu tiên trong bộ sách lớn này. Dự kiến, mỗi tháng ra mắt 5-10 cuốn.

“Với bộ sách này, chúng tôi không giới hạn số lượng, có khoảng hàng trăm đầu sách, đi sâu vào nội dung, chủ đề gắn với nông thôn, hỗ trợ bà con nông dân, vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo. Các cuốn sách sẽ giúp phát triển kinh tế, giữ gìn biên cương, làm giàu cho gia đình và đất nước”, ông Lê Lân nói.

Một số chủ đề chuyên biệt của bộ sách có thể kể đến như: Kỹ thuật nuôi lươn không cần bùn, nuôi vịt, trồng hoa hải đường, phong lan, kỹ thuật làm mộc… Tất cả hướng đến mục tiêu lớn là phục vụ bà con nông dân trên chính mảnh đất của mình.

Kế hoạch lớn tiếp theo mà Nhà xuất bản Nông nghiệp dự định triển khai trong năm 2022 là đi theo dòng sách phục vụ chủ trương xóa đói giảm nghèo cho người dân.

nu_quyen_2_-1

          Một số cuốn sách về chủ đề nữ quyền của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

Cùng đó, đơn vị này sẽ thực hiện xuất bản các văn hóa phẩm khác như lịch bloc, đặc biệt là “nông lịch” – lịch cho người nông dân. Cuốn lịch đó sẽ lồng ghép kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt, thời vụ.

Những ngày đầu năm mới, bà Trương Ngọc Lan – đại diện Phòng Truyền thông, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam – thông tin định hướng xuất bản năm nay của đơn vị này là phát triển mảng sách khuyến đọc, tiểu thuyết lịch sử, phụ nữ tùng thư, tinh hoa và thiếu nhi.

Theo đó, mảng sách khuyến đọc sẽ gồm các tác phẩm được viết bởi người có kinh nghiệm trong lĩnh vực khuyến đọc tại Việt Nam, bao gồm lý thuyết, câu chuyện thực tiễn và mẫu thực hành khuyến đọc dành cho học sinh các cấp. Bên cạnh đó, dòng sách này sẽ hướng dẫn độc giả xây dựng tủ sách gia đình, tủ sách nhà trường và tủ sách cộng đồng.

“Đề tài về giới tiếp tục được phát huy với sự hợp tác của các dịch giả, tác giả uy tín. Để phát triển mảng sách phụ nữ tùng thư, chúng tôi sẽ cho dịch và xuất bản những cuốn sách lý thuyết về giới trên thị trường quốc tế và các công trình khảo cứu về giới ở Việt Nam”, bà Ngọc Lan cho hay.

Tiểu thuyết lịch sử vốn là một trong những thế mạnh của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam. Năm nay, đơn vị này tiếp tục phát triển mảng sách đó thông qua việc thực hiện một số tác phẩm tiếp nối cuốn Từ Dụ thái hậu, nói về thời nhà Nguyễn.

Ngoài ra, mảng sách tinh hoa của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam trong năm nay hứa hẹn độc giả những tác phẩm chuyển ngữ được trao giải Pulitzer và Nobel Văn học.

Đối với dòng sách thiếu nhi, bà Ngọc Lan tiết lộ đơn vị này dự kiến khai thác những ấn phẩm hướng tới chủ đề giáo dục sớm theo phương pháp của Montessori (nhà giáo dục người Italy).

Bà Ngọc Lan cũng chia sẻ 10 tập truyện tranh Mẹ kể con nghe – Chuyện chùa Việt sẽ ra mắt đầu năm 2022, đưa đến cách tiếp cận mới về đề tài tôn giáo trong đời thường, phù hợp cả trẻ em và người lớn.

tskh-phan-xuan-dung-viet-nam-dang-o-dau-trong-cuoc-cach-mang-40-hinh-3

Xuất bản điện tử được dự đoán sẽ phát triển mạnh trong năm 2022. Ảnh: Cuốn sách "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm" do NXB Khoa học và Kỹ thuật xuất bản.

Sự lên ngôi của xuất bản điện tử

Theo bà Mai Thị Thanh Hằng – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Lao động – mục tiêu chính trong năm nay là làm thế nào để khôi phục lại hoạt động xuất bản như thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra.

Bên cạnh việc tìm cách tháo gỡ khó khăn, người đứng đầu Nhà xuất bản Lao động cũng chỉ ra một số nhiệm vụ cơ bản cần duy trì, phát huy của đơn vị mình trong thời gian tới: Phục vụ hệ thống xuất bản, hỗ trợ các đơn vị khác làm sách liên kết, tìm kiếm khách hàng mới.

Song, điều bà Hằng quan tâm nhất là định hướng xuất bản điện tử. “2022 dự kiến vẫn là năm còn nhiều khó khăn, vì dịch bệnh chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Càng trong khó khăn, tôi càng hiểu được việc không thể chậm trễ với mảng sách điện tử”, bà Hằng nhận định.

Bà Trần Nhật Hoàng Phương – Giám đốc Marketing, Phương Nam Books – chia sẻ trong một lần trả lời phỏng vấn Zing rằng một trong những xu hướng nổi bật năm 2022 là sự đón nhận mạnh mẽ của xuất bản phẩm điện tử.

Theo bà Phương, ebook có mặt ở Việt Nam từ lâu, audio book cũng đã tạo được chỗ đứng nhất định. Với xu hướng của thị trường và nhu cầu đa dạng của độc giả, xuất bản phẩm điện tử sẽ phát triển lớn mạnh hơn trong năm 2022.

Trước xu hướng đó, ông Lê Lân – người đứng đầu Nhà xuất bản Nông nghiệp – cũng tiết lộ một trong những kế hoạch của đơn vị này là sẽ cho ra mắt cuốn sách multimedia (sách tích hợp) dựa trên kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

“Cuốn sách có chủ đề văn hóa dân tộc người Chăm, phục vụ chương trình ‘Các dân tộc miền núi’ của Đảng, Nhà nước, để bà con dân tộc thiểu số hòa đồng với cả nước. Dự kiến sau cuốn sách này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu các ấn phẩm tương tự về văn hóa của nhiều dân tộc khác”, ông Lê Lân chia sẻ.

                                                                                                                   Nguồn : Zingnews

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *