Điểm tin KH&CN từ ngày 5-11/7

Kit Elisa kiểm soát dư lượng kháng sinh; Thượng viện Nga phê chuẩn hiệp định hợp tác vũ trụ với Việt Nam;… là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Kit Elisa kiểm soát dư lượng kháng sinh; Hội thảo Horizon 2020 – Cơ hội hợp tác và tài trợ cho nghiên cứu và phát triển; Thượng viện Nga phê chuẩn hiệp định hợp tác vũ trụ với Việt Nam;… là những thông tin KH&CN đáng chú ý trong tuần qua.

Kit Elisa kiểm soát dư lượng kháng sinh

Chỉ mất 30 phút, người sử dụng có thể phát hiện thịt, cá có nhiễm dư lượng kháng sinh (DLKS) hay không nhờ bộ kit Elisa. Đây là kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu triển khai – Khu công nghệ cao TPHCM. Hiện bộ sản phẩm đang xin phép Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm – Bộ Y tế, trước khi chuyển giao cho doanh nghiệp.

Th.S Bùi Quốc Anh, Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu, cho biết cơ chế nhận biết DLKS của kit Elisa khá đơn giản. Khi đưa mẫu thử vào miệng giếng thử, nồng độ enrofloxacin sẽ được hiển thị dựa trên mức độ phát quang của mỗi giếng. Nếu nồng độ enrofloxacin cao tương ứng với màu nhạt, còn nồng độ enrofloxacin thấp tương ứng với màu đậm. Như vậy chỉ cần nhìn vào 2 màu đậm hoặc nhạt là có thể biết được thủy sản có nhiễm enrofloxacin hay không. 

Điều đáng nói tất cả các quy trình từ đưa mẫu vào phân tích đến cho ra kết quả chỉ mất 30 phút, nhanh hơn rất nhiều so với các phương pháp khác.(Theo Sài gòn giải phóng 8/7).

 

Chỉ mất 30 phút, người sử dụng có thể phát hiện thịt, cá có nhiễm dư lượng kháng sinh hay không nhờ bộ kit Elisa

Hội thảo Horizon 2020 – Cơ hội hợp tác và tài trợ cho nghiên cứu và phát triển

Ngày 10/7, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Quốc gia đã tổ chức Hội thảo Horizon 2020 – Cơ hội hợp tác và tài trợ cho nghiên cứu và phát triển.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tăng cường hội nhập, nâng cao nhận thức, đẩy mạnh hợp tác về khoa học công nghệ giữa các nước Đông Nam Á và Liên minh châu Âu (ASEAN – EU) trong khuôn khổ Chương trình Horizon 2020 (chương trình tiếp theo của Chương trình Khung số 7 – FP7).

Đây là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin hay hoạt động nghề nghiệp, tìm kiếm cơ hội hợp tác tiềm năng, phát triển các mối quan hệ với các đối tác thuộc Liên minh châu Âu, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong hợp tác khoa học và công nghệ. (Theo Đại biểu nhân dân 7/7).

Thượng viện Nga phê chuẩn hiệp định hợp tác vũ trụ với Việt Nam

Theo hãng tin Nga ITAR-TASS, Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga ngày 9/7 đã phê chuẩn hiệp định liên chính phủ ký với Việt Nam về hợp tác nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ vào các mục đích hòa bình.

Hiệp định hướng tới thiết lập cơ sở pháp lý và tổ chức để xây dựng và phát triển các chương trình hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể liên quan tới nghiên cứu và sử dụng khoảng không vũ trụ và ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ vũ trụ trong các mục đích hòa bình…

Theo hiệp định, việc vận chuyển hàng hóa chuyên dành cho các mục đích hợp tác vũ trụ qua cửa khẩu sẽ được miễn thuế. (Theo vietnamplus 9/7).

 

Một phiên họp của Thượng viện Nga. (Nguồn: en.ria.ru)

Tập huấn Lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ 

Trong 2 ngày, từ ngày 8- 9/7/2014 tại Hà Nội, Trường Quản lý Khoa học và Công nghệ (KH&CN) – Bộ KH&CN đã tổ chức hội nghị tập huấn Lãnh đạo các Sở KH&CN. Hội nghị nhằm giới thiệu tổng quan về định hướng chiến lược khoa học và công nghệ trong thời gian tới đến các Sở KH&CN trong cả nước, góp phần triển khai có hiệu quả nhiều chính sách đổi mới quan trọng về lĩnh vực KH&CN.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, tính đến nay, ngành KH&CN đã có nhiều thuận lợi, hầu hết các luật có liên quan đến KH&CN đã được điều chỉnh. Để đổi mới quyết liệt hơn nữa trong lĩnh vực KH&CN, Bộ trưởng đề nghị các Sở KH&CN cần tiếp tục bám sát nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW về Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020, Luật KH&CN năm 2013 với nhiều nội dung đổi mới sẽ tạo điều kiện cho ngành KH&CN có những đột phá, phát huy được vai trò của KH&CN… (Theo dangcongsan.vn 9/7).

Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2020 

Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 1069/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ (CGCN) nước ngoài đến năm 2020 nhằm phấn đấu đạt 60% số công nghệ do mạng lưới chuyên gia tìm kiếm công nghệ giới thiệu về Việt Nam được chuyển giao và ứng dụng.

Mục tiêu nhằm tìm kiếm, đánh giá, tư vấn và CGCN tiên tiến trên thế giới, phục vụ kịp thời nhu cầu phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam. Ðể thực hiện được mục tiêu trên, Chương trình sẽ tiến hành lựa chọn và tổ chức mạng lưới chuyên gia tìm kiếm công nghệ; cử các nhà khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam đi làm việc và thực tập tại nước ngoài; đồng thời, xây dựng danh mục đặt hàng công nghệ cần tìm kiếm và tổ chức tìm kiếm công nghệ; CGCN… (Theo Nhân Dân 9/7).

137 đề tài tham dự "Vườn ươm sáng tạo KH&CN trẻ" 

137 đề tài của các cá nhân, nhóm nghiên cứu đã được đăng ký tại vòng sơ tuyển chương trình “Vườn ươm sáng tạo Khoa học & Công nghệ trẻ” năm 2015. 

Là hoạt động thường niên do Sở Khoa học & Công nghệ phối hợp với Thành Đoàn TP.HCM tổ chức, chương trình Vườm ươm sáng tạo Khoa học & Công nghệ trẻ là một trong những sân chơi tiêu biểu và ý nghĩa của thành phố trong việc bồi dưỡng và phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo của thanh niên. Bên cạnh đó, khuyến khích, tạo điều kiện, đồng thời phát huy tiềm lực, sức sáng tạo của tuổi trẻ thành phố trong việc tham gia các hoạt động sáng tạo và nghiên cứu khoa học, từ đó đề ra các mô hình, giải pháp mới, hiệu quả, ươm tạo các nhà khoa học trẻ, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố và đất nước.

Dự kiến, kết quả vòng sơ tuyển sẽ được ban tổ chức công bố vào cuối tháng 12/2014. Các hồ sơ được chọn sẽ được mức kinh phí hỗ trợ từ 80 đến 95 triệu đồng cho mỗi đề tài để thực hiện. (Theo Khám phá 10/7).

Hà Trang (Tổng hợp)

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *