Công nghệ chống thấm mới cho các công trình

(Cadn.com.vn) – Kỹ sư Phạm Hoàng Trung, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phúc Tất Đạt (Đà Nẵng) chia sẻ: sau hơn 6 năm áp dụng và nghiên cứu công nghệ chống thấm bằng màng composite WPC, doanh nghiệp giờ đã tự tin đưa giải pháp này ra thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của các công trình xây dựng dân dụng hiện nay.
 
"Công nghệ chống thấm trong xây dựng xưa nay đã phổ biến, có rất nhiều dạng và giải pháp khoa học khác nhau. Nhưng với vật liệu chống thấm composite do tiến sĩ Hương Trần Phương Nam – một trong 80 nhà khoa học hàng đầu của Úc – đã nghiên cứu thành công và chuyển giao cho chúng tôi ứng dụng, thì các công trình sẽ có khả năng chống thấm tốt hơn, rút ngắn thời gian thi công và thêm nhiều tính năng hiệu quả khác", ông Trung bày tỏ như vậy.
 
 
 
Đội ngũ kỹ thuật Công ty Phúc Tất Đạt đang thi công chống thấm tầng ngầm chứa nước
ở một công trình dân dụng.
Hiệu quả công nghệ mới
 
Theo ông Trung, sở dĩ Công ty Phúc Tất Đạt tự tin đưa quảng bá công nghệ chống thấm mới vì giải pháp này dựa vào các ưu thế mà vật liệu composite có được, vượt trội hơn những loại vật liệu khác.
 
Tiến sĩ Hương Trần Phương Nam, một trong những người tiên phong ứng dụng vật liệu composite trên nhiều dạng chất liệu, từng chia sẻ, yêu cầu tìm kiếm các loại vật liệu mới, thay thế những vật liệu truyền thống như: gỗ, đá, sắt thép… đã đặt ra từ lâu với giới nghiên cứu. Trong đó, composite là vật liệu có nhiều tính năng ưu việt, đã ứng dụng thành công trong nhiều lĩnh vực như: xây dựng, giao thông, vật dụng sinh hoạt…
 
Dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn, tiến sĩ Phương Nam đã cùng Công ty Phúc Tất Đạt nghiên cứu triển khai vật liệu composite vào chống thấm cho các công trình xây dựng. Sáng chế này dùng vật liệu composite với nền nhựa nhiệt rắn, kết hợp một số phụ gia và vật liệu sợi gia cường, gọi tắt là FRP (Fiber Reinforced Plastic – nhựa gia cường bởi vải sợi).
 
"Chúng tôi chế vật liệu này dưới dạng keo lỏng composite hai thành phần WTC-C, dùng quét đều lên bề mặt công trình, sau khi khô, keo sẽ trở thành màng bọc, cách ly bề mặt công trình với nước. Nếu keo được gia cường bởi vải thủy tinh tissue có chất lượng cao trên thế giới, thì bề mặt công trình  được chống nứt, chống ăn mòn và khả năng ngăn ngừa thấm nước sẽ càng tăng lên. Do đó, khi dùng giải pháp này, sử dụng thêm các phụ gia, vấn đề ngăn nước gần như tuyệt đối, chống thấm triệt để cho các công trình", ông Trung giải thích.
 
Tốt hơn cho công trình
 
Ngoài khả năng chống thấm, màng composite WPC-C còn được đánh giá cao về các yếu tố như chịu được hóa chất, độ bền cơ lý cao, chịu được độ uốn cong và giãn nở tốt, có khả năng gia cố bê tông và nhất là an toàn với sức khỏe con người. Màng keo này khi kết hợp với vải thủy tinh tissue sẽ càng giúp tường, bê tông… được gia cố vững chắc, đồng thời giúp giảm hấp thụ nhiệt, không truyền điện qua vật liệu.
 
"Hãy tin rằng màng WPC sẽ là lớp áo composite bao quanh công trình như tấm áo mưa ngăn mọi nguy cơ ngấm nước. Do loại keo này cực kỳ kỵ nước nên khi tiếp xúc với nước, nó có xu thế đẩy nước ra. Khi phủ keo lên bề mặt, do ở dạng lỏng, keo còn ngấm vào mao mạch bê tông, xi măng, sau đó tự đông cứng tạo thành màng bịt kín các mao mạch tăng độ kết dính và chống nước. Hạn chế truyền nhiệt và không truyền điện, màng keo sẽ giúp công trình khô ráo, chống nóng mùa hè, giảm lạnh mùa đông và tránh những rủi ro khi có rò rỉ điện trong tường và bê tông".
 
Bên cạnh những yếu tố chất lượng, giải pháp dùng màng composite WPC còn có lợi thế về thời gian thi công, độ bền bảo đảm chất lượng công trình và khả năng áp dụng trong mọi điều kiện, bối cảnh chi tiết công trình.
 
Thay vì phải mất từ 12 – 24 giờ để hoàn tất việc chống thấm khi dùng các loại vật liệu chống thấm khác như gốc xi măng, màng composite chỉ cần 4 giờ đồng hồ để khô và ngay sau đó, đội ngũ thi công có thể tiếp tục làm các hạng mục khác.
 
Thời gian sử dụng màng composite trong điều kiện bình thường sẽ kéo dài trên 20 năm, vượt gấp 4 – 5 lần so với nhiều loại vật liệu chống thấm khác.
 
Ông Trung còn lý giải, việc thi công màng keo cũng không đòi hỏi về mặt bằng rộng hay những kết cấu thiết bị phiền phức. Cho nên, giải pháp này có thể áp dụng chống thấm với cả những "tiểu công trình" như: lỗ thoát nước trên sàn, toilet, xử lý bể tắm, hồ cá…
 
Công ty Phúc Tất Đạt những năm qua, đã lần lượt ứng dụng giải pháp công nghệ chống thấm, chống nứt này tại nhiều công trình lớn như các khu nghỉ dưỡng tại FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa), Khu nghỉ dưỡng FLC Nhơn Lý (Bình Định), Khu lọc hóa dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Khu nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Phúc… Các kết quả ứng dụng thực tế này đều rất khả năng, khẳng định công nghệ chống thấm, chống nứt bằng màng composite WPC.
 
Vì thế, từ mùa hè 2016 này, Công ty Phúc Tất Đạt xác định chuyển hướng đầu tư sâu hơn vào các công trình dân dụng, tập trung tại miền Trung.
 
"Đây là vùng thường có bão tố, mưa dầm, nắng gắt, đòi hỏi các công trình phải có khả năng chống thấm tốt, đặc biệt là công trình dân dụng. Tập trung vào miền Trung, chúng tôi hy vọng vừa có thể tìm được cơ hội phát triển của mình, vừa mang lại những điều kiện tốt hơn cho những ngôi nhà người dân nơi đây, cũng chính là những bà con thân thuộc của chúng tôi", ông Trung kết luận như vậy.
 
Theo: cand.com.vn
 
Từ khóa liên quan: Công nghệ, chống thấm mới, các công trình   
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *