Chương trình Gặp gỡ Việt Nam 2017: “Kéo gần” khoa học đến với cuộc sống

 
Tiếp nối thành công của 12 lần tổ chức trước, “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XIII – năm 2017 diễn ra tại TP Quy Nhơn từ tháng 3 này, hứa hẹn mang đến những sự kiện hấp dẫn, thú vị. Ðặc biệt, chuỗi sự kiện năm nay không đơn thuần là các vấn đề của khoa học cơ bản mà còn có chủ đề gần gũi, “kéo gần” khoa học đến với cuộc sống.
 
Hội Gặp gỡ Việt Nam cho biết, chuỗi các sự kiện của chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XIII – năm 2017 sẽ có 18 sự kiện, trong đó có 13 hội nghị khoa học quốc tế (KHQT) và 5 lớp học chuyên đề quốc tế.
 
 
Các sự kiện của chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” hằng năm tại TP Quy Nhơn thu hút nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia.
– Trong ảnh: Các nhà khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học tại Hội thảo Khoa học cơ bản và xã hội, diễn ra năm 2016.
 
Thiết thực, gần gũi
 
So với 12 lần tổ chức trước, “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XIII có số hội nghị khoa học nhiều hơn hẳn, bắt đầu có các hội nghị, lớp học chuyên đề đa dạng hơn. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực vật lý hạt cơ bản, vật lý thiên văn và vật lý nano như những năm trước, mà còn có các hội nghị, lớp học quốc tế liên quan đến y học, toán học, công nghệ truyền thông. Điều đó chứng tỏ, Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành Quy Nhơn (ICISE) đã bắt đầu có danh tiếng, được nhiều người biết đến và các tổ chức KHQT tổ chức hội nghị, lớp học ở Quy Nhơn.
 
Theo giáo sư (GS) Trần Thanh Vân – Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, năm nay không có sự kiện đặc biệt như Hội thảo Khoa học cơ bản và xã hội kỷ niệm 50 năm “Gặp gỡ Moriond” diễn ra năm 2016; nhưng có một số lớp học chuyên đề và hội nghị khoa học lớn, như: trường học nghiên cứu CIMPA: hình học không giao hoán và ứng dụng trong vật lý lượng tử; biên giới của vật lý cơ bản…
 
Đặc biệt, khác với mọi năm, khởi động của “Gặp gỡ Việt Nam” năm nay là hội thảo quốc tế với chủ đề: “Ô nhiễm môi trường, biện pháp phục hồi và quản lý”, chính thức khai mạc ngày 8.3. Sự kiện này được tổ chức với sự đồng hành của Trường Đại học Loyola Chicago, Hội Hóa học và Độc học Môi trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Tổng cục Môi trường, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Đây là lần thứ 3, hội thảo quốc tế về ô nhiễm môi trường, biện pháp phục hồi và quản lý, diễn ra tại Việt Nam.
 
GS Trần Thanh Vân cho hay, dựa vào kiến nghị của các nhà khoa học, quản lý trong và ngoài nước tham dự 2 kỳ hội thảo trước, hội thảo lần thứ 3 được tổ chức với mục đích mời các nhà khoa học môi trường trên thế giới đến Quy Nhơn để chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học, thảo luận về các vấn đề môi trường hiện tại và chia sẻ kinh nghiệm quản lý môi trường. Qua đó, tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa các nước phát triển và đang phát triển như Việt Nam.
 
“Ngoài ra, chúng tôi còn mời các chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau thuộc ngành khoa học môi trường ở nước ngoài và Việt Nam để thành lập một nhóm tư vấn các vấn đề môi trường cho Chính phủ. Việc này sẽ rất quan trọng và hữu ích cho Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với các nguy cơ thảm họa môi trường, cần kinh nghiệm và chuyên môn sâu để giải quyết” – GS Trần Thanh Vân chia sẻ.
 
Môi trường là một chủ đề thiết thân với đời sống, nhất là với một nước đang phát triển như Việt Nam. Hội thảo khoa học “Ô nhiễm môi trường, biện pháp phục hồi và quản lý” cho thấy, từ các sự kiện mang tính khoa học thuần túy, đến nay “Gặp gỡ Việt Nam” đã “rộng mở”, “kéo gần” khoa học đến với cuộc sống, dùng khoa học để giải quyết những vấn đề thực tiễn bức xúc.
 
Tiếp tục “bắc cầu” khoa học
 
Mục tiêu của các chuỗi hội thảo khoa học trong các chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” trước đây – đặc biệt là từ năm 2013 đến nay tại ICISE – là đưa các nhà KHQT đến Việt Nam để chia sẻ với các nhà khoa học Việt Nam những kết quả nghiên cứu mới nhất cũng như sự phát triển của KHQT. Năm 2017, có khoảng 1.700 nhà KHQT sẽ đến Quy Nhơn dự các sự kiện khoa học. Trong kế hoạch, cũng sẽ mời 3-4 nhà khoa học đoạt các giải thưởng Nobel đến Bình Định; hiện GS Geradus’t Hoof – Nobel Vật lý 1999 đã nhận lời tham dự.
 
“Không chỉ có các nhà khoa học đoạt giải Nobel mà tất cả các hội nghị đều có các nhà khoa học hàng đầu thế giới về các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu tham dự, chia sẻ những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất. Các hội thảo khoa học cũng giúp làm giàu cho sự hiểu biết về khoa học cho các nhà khoa học trẻ, kết nối giới khoa học trong nước và giới KHQT để “từng bước” xây dựng một nền khoa học tại Việt Nam phát triển hơn trong tương lai. Đây là điều mong mỏi nhất của Hội Gặp gỡ Việt Nam” – GS Trần Thanh Vân khẳng định.
 
Đó là lý do cùng với các hoạt động khoa học chính thức trong chuỗi các hội thảo khoa học, trường học Vật lý quốc tế được tổ chức xuyên suốt “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XIII. Như thường lệ, Ban tổ chức chương trình luôn tận dụng sự có mặt của các nhà khoa học danh tiếng tại Quy Nhơn để kết nối, tổ chức các buổi nói chuyện khoa học đại chúng cho học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học. Những cuộc tiếp xúc, gặp gỡ bên lề cũng được xúc tiến, tạo cơ hội cho các nhà khoa học trẻ của Việt Nam hợp tác và phát triển nghiên cứu.
 
Những “cầu nối” khoa học mà tổ chức Gặp gỡ Việt Nam tạo lập đã bắt đầu “gặt hái” những thành quả đầu tiên. Ngày 1.10.2016, ICISE đã cho ra mắt Nhóm nghiên cứu Vật lý lý thuyết. Đến nay, hoạt động của nhóm đã có nhiều tiến triển tốt. Nhóm nghiên cứu đã mời 1 nhà khoa học người Pháp, đang làm việc ở Đức về làm nghiên cứu tại ICISE trong 1 tháng. Từ tháng 4 – 9.2017 sẽ có 1 tiến sĩ trẻ vừa bảo vệ xong luận án ở Italia về nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành (IFIRSE) và ICISE trước khi tiếp tục làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại châu Âu.
 
THU HIỀN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *