Bộ trưởng Nguyễn Quân: Cần thích ứng với ngập mặn ngày càng nặng

“Tất cả các đập thủy điện trên sông Mêkông từ Trung Quốc đến Lào, Campuchia nếu được xây dựng không cẩn thận thì chắc chắn trong tương lai, ĐBSCL sẽ thiếu nước ngọt nghiêm trọng và tình trạng ngập mặn sẽ ngày càng nặng nề” – Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cảnh báo.
 
 
Các con đập chính trên sông Mêkông. Nguồn: Gt-rider
Để ứng phó, theo bộ trưởng cần có những nghiên cứu trong lĩnh vực thủy lợi cũng như giống cây trồng nhằm đảm bảo sản xuất, phát triển kinh tế; tìm ra những giống cây trồng có khả năng chịu mặn cao, những giống lúa vừa có khả năng chịu đựng độ mặn tới 10 phần nghìn – tức là độ mặn vừa phù hợp với nuôi tôm, vừa phù hợp với nhu cầu thị trường – là một trong những nhiệm vụ quan trọng.
 
“Thực tế ở Cần Thơ họ đã làm ra giống lúa tương đối tốt, chịu được độ mặn rất cao nhưng chất lượng của loại gạo đó có vấn đề nên người tiêu dùng cũng không thích. Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là một trong các giải pháp để sau này chúng ta đảm bảo được an ninh lương thực. Chúng ta cũng cần nghiên cứu về những cây trồng khác để thích hợp với những vùng đất ngập mặn” – Bộ trưởng trăn trở.
 
Bộ trưởng cũng cho rằng, để hạn chế tác hại của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, cần quy hoạch lại diện tích nông nghiệp. Đất nào có thể trồng lúa tốt thì chúng ta cố giữ không để xảy ra mặn xâp nhập, còn những vùng đất đã bị xâm nhập mặn, đã bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì phải nghiên cứu áp dụng những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp.
 
“Về giải pháp thủy lợi, ngoài việc làm đê ngăn mặn tạm thời, chúng ta có thể dùng kết quả nghiên cứu của ngành thủy lợi Việt Nam về đập sà lan. Khi mực nước xuống thấp, chúng ta có thể dùng đập sà lan chắn để dâng cao mực nước, tránh hạ nguồn các bậc sông, giúp giữ được nước ngọt và chống ngập mặn; nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời” – Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.
 
Biến đổi khí hậu rất phức tạp, nên các nhà khoa học, cơ quan khoa học cần tiếp tục nghiên cứu để làm sao đảm bảo đủ nước ngọt cho cả vùng đồng bằng rộng lớn. “Các đơn vị nghiên cứu về lĩnh vực này không thuộc Bộ KH&CN, nhưng chúng tôi đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương để các bộ, ngành tập trung nghiên cứu những định hướng mà chúng tôi đã khuyến cáo. Chúng tôi lo bố trí kinh phí, tìm cách phối hợp với đơn vị nghiên cứu của các bộ, ngành để thu được các kết quả nghiên cứu có khả năng ứng dụng rộng rãi hơn” – Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
 
 
 
Phượng Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *