Bộ Khoa học và Công nghệ họp báo thường kỳ Quý IV/2016

 
Tại buổi Họp báo thường kỳ Quý IV/2016 diễn ra chiều 16/01/2017, Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã giải đáp nhiều vấn đề được các nhà báo, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí quan tâm như: Bộ KH&CN trong năm tới tập trung vào những giải pháp nào để giải quyết nút thắt về thể chế; sở hữu trí tuệ của Việt Nam đang đứng ở đâu trong khu vực và giải pháp, kế hoạch nào để nâng cao vị trí của sở hữu trí tuệ trong Khu vực ASEAN; vai trò của KH&CN trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao;… 
 
Quý IV: Nhiều văn bản được ban hành
 
Tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, trong Quý IV, Bộ KH&CN đã tập trung triển khai nhiều hoạt động quan trọng. Về công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN, Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Hiện Bộ KH&CN đang tập trung hoàn thiện, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV (tháng 5/2017).
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc chủ trì buổi Họp báo (Ảnh: Ngũ Hiệp)
 
Nghị quyết số 297/NQ-UBTVQH14 ngày 02/11/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2015 – 2020, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo” cũng đã được ban hành. Hiện đang xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết.
 
Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1931/QĐ-TTg ngày 07/10/2016 Phê duyệt Đề án “Thí điểm cơ chế đối tác công – tư, đồng tài trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN”; Quyết định số 2469/QĐ-TTg ngày 16/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2017 – 2025"…
 
Đồng thời, Bộ đã trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ KH&CN; Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 213/2013/NĐ-CP ngày 20/12/2013 về tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành KH&CN; Nghị định thư sửa đổi Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS); Dự thảo Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước CHLB Đức về hợp tác KH&CN;… 
 
Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký ban hành Thông tư số 19/2016/TT-BKHCN ngày 19/10/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-BKHCN hướng dẫn quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 17/2014/TT-BKHCN; Thông tư số 20/2016/TT-BKHCN ngày 09/11/2016 quy định việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng, duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN; Quyết định số 3975/QĐ-BKHCN ngày 14/12/2016 phê duyệt Đề án xây dựng mạng lưới chuyên gia Việt Nam trên thế giới;… 
 
Nhiều sự kiện lớn đã diễn ra
 
Bên cạnh công tác xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật về KH&CN, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo. Cụ thể, như các sự kiện về khởi nghiệp và phát triển thị trường KH&CN: Hội nghị về hoạt động các Trung tâm Ứng dụng và tiến bộ KH&CN, trình diễn và kết nối cung cầu công nghệ; Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa N15 Startup Builder & Hardware Accelerator (Hàn Quốc) và Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – TechFest Việt Nam 2016; Startup Festival (Đại hội khởi nghiệp) 2016;…
 
Trong Quý IV cũng đã diễn ra các sự kiện Giao ban KH&CN như Hội nghị giao ban KH&CN vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Hội nghị giao ban KH&CN vùng Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ XVI. Và các sự kiện khác như: Lễ Ký kết Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Bộ KH&CN và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức trao Giải thưởng “Quả Cầu Vàng” và phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật năm 2016; Bộ KH&CN và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện Chương trình “Ấn tượng KH&CN năm 2016”; Phiên họp thường kỳ của Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia với chủ đề “Chính sách đào tạo, sử dụng và phát triển nhân lực KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội”; Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm về xây dựng hệ thống đánh giá và bảo lãnh công nghệ”;… 
 
Đặc biệt, đầu năm 2017 đã diễn ra 2 sự kiện lớn: Ngày 04/01/2017, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ KH&CN cùng các Bộ, ngành cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với chủ đề “KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội”; Tối ngày 15/01/2017, tại Hội trường Bộ Quốc phòng đã diễn ra Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt 5 với sự tham dự của Chủ tịch nước Trần Đại Quang. 
 
Toàn cảnh buổi Họp báo (Ảnh: Ngũ Hiệp)
 
Giải đáp nhiều vấn báo chí quan tâm 
 
Theo kế hoạch, trong Quý I/2017, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về KH&CN. Đồng thời, tổ chức các hoạt động, sự kiện theo kế hoạch: Lễ trao Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á – Thái Bình Dương năm 2016; Lễ trao Giải thưởng Báo chí về KH&CN; Chuẩn bị cho Lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu, Ngày KH&CN Việt Nam 18-5;…
 
Tại buổi Họp báo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc và Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời rất nhiều câu hỏi của các nhà báo, phóng viên đặt ra. Các vấn đề được quan tâm như: Mạng lưới quan trắc về phóng xạ môi trường ở Quảng Ninh; Bộ KH&CN trong năm tới có tập trung vào những giải pháp nào để giải quyết nút thắt về thể chế; Sở hữu trí tuệ của Việt Nam đang đứng ở đâu trong khu vực và giải pháp, kế hoạch nào để nâng cao vị trí của sở hữu trí tuệ trong khu vực ASEAN; Các giải pháp đẩy nhanh việc xử lý đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ; Vai trò của KH&CN trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đầu mối của Bộ KH&CN khi phóng viên cần tiếp cận để lấy thông tin về vấn đề này;… 
 
Một vấn đề được nhiều nhà báo đặt ra liên quan đến giải pháp của Bộ đối với các tổ chức KH&CN công lập, cụ thể là Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tại các địa phương khi họ sợ chuyển đổi hoặc không chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Hiện có bao nhiêu doanh nghiệp khởi nghiệp được nhận hỗ trợ từ Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025",…
 
Liên quan đến vấn đề cơ chế tháo gỡ đối với các tổ chức KH&CN công lập về thực hiện Nghị định 115 và Nghị định 96, ông Cao Huy Long, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, ngày 19/10/2016, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ký ban hành Thông tư số 19/2016/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-BKHCN hướng dẫn quản lý Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 17/2014/TT-BKHCN. Bộ KH&CN đã xây dựng và đang gửi các Bộ, ngành,… để lấy ý kiến, sớm hoàn chỉnh để trình Bộ trưởng ký ban hành hướng dẫn cụ thể Nghị định số 54/2016/NĐ-CP Quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập. 
 
Theo ông Long, với tinh thần của Nghị định 54, hiện cũng chia thành 4 loại tổ chức KH&CN tùy thuộc vào mức độ tự chủ về tài chính, có những tổ chức tự bảo đảm toàn bộ kinh phí đầu tư và kinh phí chi thường xuyên; có những tổ chức tự bảo đảm 1 phần kinh phí đầu tư và kinh phí chi thường xuyên; có những tổ chức tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên… Tinh thần của Thông tư theo hướng đề nghị các tổ chức KH&CN công lập xây dựng phương hướng xếp mình theo các loại hình thực hiện các mức độ tự chủ về tài chính, để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt mức độ tự chủ. Trên cơ sở đó, thực hiện quyền tự chủ theo hướng dẫn của Bộ KH&CN. 
 
Nhân dịp năm mới, thay mặt Lãnh đạo Bộ KH&CN, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các nhà báo, phóng viên, biên tập viên và các cơ quan thông tấn báo chí trong năm qua đã đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trực thuộc Bộ KH&CN trong công tác truyền thông. Đồng thời mong rằng, năm 2017 và những năm tiếp theo, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục nhận được sự hợp tác, ủng hộ của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên và các cơ quan thông tấn báo chí nhằm chuyển tải rộng rãi các thông tin KH&CN, kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, hoạt động của Bộ KH&CN,… tới xã hội, công chúng để đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào cuộc sống. 
 
Nguồn:  Hạnh Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *