Với chủ đề "Trí tuệ nhân tạo ứng phó với đại dịch Covid-19"(AI in pandemic: Adapting to the new normal), năm nay Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) hướng tới sức mạnh trí tuệ nhân tạo trong phòng, chống Covid-19 và vận hành cuộc sống ở trạng thái bình thường mới.
AI4VN là sự kiện thường niên. Sau hai năm tổ chức, sự kiện thu hút quan tâm của đông đảo các nhà chính sách, quản lý, tập đoàn công nghệ, đơn vị nghiên cứu… thúc đẩy hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.
AI4VN 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM), báo điện tử VnExpress cùng nhiều doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu… phối hợp tổ chức. Dự kiến TP.HCM sẽ tổ chức Tuần lễ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo của thành phố từ ngày 24-28/11; trong đó AI4VN 2020 sẽ được tổ chức từ ngày 27-28/11. Trong bối cảnh hiện nay các nước nói chung và Việt Nam nói riêng càng nhận thấy sự cần thiết trong phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Học máy (Machine Learning), Học sâu (Deep Learning)… để chuyển đổi sang các hình thức kinh doanh, làm việc, quản trị, học tập trực tuyến, duy trì vận hành cuộc sống bình thường.
"Chủ đề và các hoạt động cốt lõi của ngày hội năm nay sẽ không chỉ tập trung các thảo luận, nghiên cứu, ứng dụng AI để phòng chống Covid-19 (phát hiện sớm, cảnh báo, khoanh vùng, dập dịch) mà tầm nhìn xa hơn là công nghệ này sẽ phát huy thế mạnh như thế nào ở cuộc sống trong và hậu khủng hoảng khi vẫn phải duy trì làm việc, sinh hoạt, kinh doanh…", TS. Lý Hoàng Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học và Công nghệ nói.
TS Tùng cho biết, sự kiện AI4VN năm nay sẽ dành nhiều không gian để các chuyên gia, nhà lãnh đạo, doanh nghiệp… cùng đánh giá về tình trạng bình thường theo cách thức mới hiện nay và chúng ta sẽ phải tìm cách thích nghi, ứng phó, tổ chức cuộc sống, duy trì tốc độ tăng trưởng dựa trên công nghệ.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết Bộ KH&CN làm cơ quan đầu mối trong việc xây dựng chiến lược trí tuệ nhân tạo quốc gia. Chiến lược này nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Dự thảo Chiến lược trí tuệ nhân tạo quốc gia tập trung chính vào các lĩnh vực giao thông, vận tải, logistic; du lịch; thương mại điện tử; viễn thông; giáo dục và quản lý đô thị, quản lý xã hội và hành chính công. Dự thảo Chiến lược cũng đề xuất xây dựng 3 trung tâm đổi mới sáng tạo về trí tuệ nhân tạo đặt tại 3 miền của đất nước (một trong số đó dự kiến đặt tại TP.HCM).
Các đại biểu trong phiên thảo luận tại tọa đàm "Nghiên cứu, phát triển và Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế" nằm trong chuỗi sự kiện thuộc Chương trình AI4VN 2020 tổ chức tại trụ sở Bộ KH&CN sáng 23/9 vừa qua
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định TP.HCM sẵn sàng phối hợp và hỗ trợ Bộ KH&CN trong việc tổ chức Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam tại TP.HCM. Dự kiến TP.HCM sẽ tổ chức Tuần lễ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo của thành phố từ ngày 24-28.11; trong đó, Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam sẽ được tổ chức từ ngày 27-28.11.
Hiện TP.HCM đã bắt đầu khởi động các hoạt động của Tuần lễ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo thông qua các cuộc thi liên quan tới trí tuệ nhân tạo với bài toán năm nay là giải quyết vấn đề giao thông cho TP.HCM. UBND TP.HCM cũng đã lên kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ban, ngành và Đại học quốc gia TP.HCM trong việc phối hợp với Bộ KH&CN và các đơn vị có liên quan chuẩn bị cho cho Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam.
Được biết, Bộ KH&CN xác định trí tuệ nhân tạo là một công nghệ số then chốt, chiến lược được xây dựng với mục tiêu góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái dựa trên KH&CN, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao và kinh tế số. Chiến lược tập trung vào sử dụng các công cụ và kỹ thuật trí tuệ nhân tạo để giải quyết các vấn đề cụ thể.
Tin, ảnh: Vụ Công nghệ cao – Trung tâm NC&PTTT KH&CN