Thùng rác thông minh, mô hình chống ngập khi triều cường, lọc nước mặn thành nước ngọt… là các sản phẩm ứng dụng của học sinh tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi TP HCM.
Sáng 8/6, Trung tâm phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ, Thành đoàn TP HCM phối hợp với các đơn vị tổ chức thi Sáng tạo thanh thiếu nhi thành phố lần 19. Đây là sân chơi thường niên dành cho học sinh từ tiểu học đến THPT tại TP HCM. Cuộc thi nhằm phát huy khả năng sáng tạo của thanh thiếu nhi nhằm nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tìm kiếm các ý tưởng ứng dụng vào sản xuất và đời sống.
Cuộc thi năm nay thu hút 219 sản phẩm sáng tạo đến từ 678 thí sinh của 111 trường học ở TP HCM, trong đó 54 sản phẩm khối tiểu học, 97 sản phẩm khối THCS và 68 sản phẩm khối THPT. Theo đánh giá của hội đồng chuyên môn, nhiều sản phẩm hướng đến giải quyết vấn đề xã hội, khả năng ứng dụng thực tế vào hoạt động giáo dục, đời sống…
Thùng rác thông minh của Trần Vĩnh Thụ và Diệp Kiếm Anh, học sinh THCS Nguyễn Hữu Thọ, quận 7. Thùng rác sử dụng cảm biến tiệm cận nhận biết người đến vứt rác. Cảm biến này truyền tín hiệu cho động cơ servo lắp ở nắp thùng rác tự động mở và đóng lại khi tay người giơ lên hoặc rời khỏi nắp thùng. Thùng có hai khoang chứa riêng biệt cho rác hữu cơ và rác vô cơ.
Theo Vĩnh Thụ, thùng rác còn có chức năng rửa tay cho người đi vứt rác. Nước tự động mở khi người dùng đưa bàn tay đến khu vực vòi rửa. “Thùng rác thông minh sẽ tăng thêm ý thức người dân trong việc phân loại rác”, Thụ nói.
Nón làm từ vỏ bắp của Bùi Gia Bảo, học sinh trường THCS-THPT Trí Đức, quân Tân Phú. Bảo nói, vỏ bắp là vật liệu bỏ đi nhưng có độ dai, mỏng, nhẹ nên phù hợp để làm nón. Bảo mong muốn làm sản phẩm tái chế, sử dụng hàng ngày. Vỏ bắp sau khi thu hoạch được phơi nắng 1 – 2 ngày. Sau đó Bảo sử dụng nan tre, chỉ, dao kéo… để tạo hình nón. Nón thành phẩm được quét một lớp sơn bóng để đảm bảo độ bền và thẩm mĩ. “Vỏ của 10 bắp có thể tạo thành một cái nón, dùng trong một năm”, Bảo nói.
Học sinh trường THCS Hồng Bàng, quận 5 chế tạo mô hình nắp cống tự đóng mở khi nước triều dâng, hạ nhằm giúp người dân giảm ngập do triều. Sản phẩn làm trong 2 tháng, phục vụ các khu dân cư với các hệ thống cống nhỏ.
Sản phẩm hoạt động trên nguyên lý lực đẩy Acsimet và bình thông nhau. Phía trên nắp van cống thoát nước sẽ có một bóng khí. Khi nước dâng, theo lực đẩy Acsimet bóng khí sẽ chuyển động theo dòng nước, làm van đóng lại. Khi nước hạ, bóng khí di chuyển làm mở van. Nhóm thiết kế một khu vực hồ chứa khi nước thải người dân xả ra trong quá trình đóng nắp cống. Khi triều xuống hồ chứa nước thải sẽ xả nước ra ngoài khi van mở. Thiết kế nắp cống van có độ nghiêng, di động, phù hợp để đóng mở thuận lợi.
Sản phẩm lịch in mã QR của nhóm học sinh trường THCS Lạc Long Quân, quận Bình Tân phục vụ du lịch. Trên mỗi tấm lịch, nhóm tạo mã QR để du khách có thể theo dõi các đoạn video giới thiệu địa danh in trên lịch nhằm tăng trải nghiệm của họ ở một điểm đến. Các đoạn video được nhóm sử dụng trên các trang công khai của ngành du lịch và xin phép của các tác giả trên diễn đàn internet. Các video được nhóm xử lý thành một clip giới thiệu địa danh, độ dài 1 – 2 phút.
Hiện nhóm đã có 12 video giới thiệu địa danh của Việt Nam. “Mã QR không chỉ in trên lịch mà có thể gắn trên các đồ lưu niệm của địa phương”, Hoàng Long đại diện nhóm nói.
Mô hình lọc nước mặn thành nước ngọt của nhóm học sinh THCS-THPT Trí Đức. Nước mặn cho vào ống và nấu sôi bằng một đầu đun. Khi nước bay hơi, sẽ đi qua đường ống có tiết diện nhỏ dần. Khi hơi nước đến đầu nhôm tản nhiệt và quạt sẽ ngưng tụ, thành nước ngọt. Nước sau đó được lọc qua 5 lớp gồm than hoạt tính, sỏi nhằm loại bỏ tạp chất để đến bình chứa. Hệ thống UV sẽ khử khuẩn nước để thành nước ngọt sử dụng. “Sản phẩm đang ở mô hình nên tỷ lệ thất thoát ra ngoài còn nhiều, hiệu suất chưa cao. Nhóm sẽ cải tiến thời gian tới”, Gia Thành, đại diện nhóm nói.
Nhóm học sinh trường THPT Hiệp Bình, TP Thủ Đức tạo chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh hại rau quả. Chế phẩm được phối trộn từ dịch cây sả, tỏi, ớt kết hợp với rượu trắng, hạt mãng cầu và bồ kết. Sản phẩm có hiệu quả đuổi sâu sau 3 – 4 ngày phun xịt, dùng sau 15 – 20 ngày sâu sẽ không trở lại.
Kết thúc hội thi, Ban tổ chức trao hai giải nhất cho sản phẩm Board game “Em yêu sử Việt” của học sinh trường tiểu học Trương Định, quận 12 và sản phẩm hệ thống Elearning vui học Stem AIOT của học sinh trường THCS Thị Trấn 2 – Tân An Hội (Củ Chi). Hai sản phẩm được Ban giám khảo đánh giá có độ hoàn thiện cao, có thể ứng dụng ngay trong nhà trường.
Ngoài giải nhất, Ban tổ chức trao 2 giải nhì, 3 giải ba và 35 giải khuyến khích.
95