Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm

Khoa học và công nghệ đang phát triển nhanh chưa từng có, tạo nên một cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, thúc đẩy xã hội loài người bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cuộc cách mạng được đặc trưng bởi sự hợp nhất và hội tụ ở đỉnh cao của các lĩnh vực: công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy, tích hợp người – máy… Để không bị đẩy ra khỏi tiến trình phát triển chung của nhân loại tiến bộ, các quốc gia đều phải tiến hành đổi mới và hội nhập để có thể khai thác tốt nhất và hạn chế tối đa khó khăn do Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại.

Cuốn sách “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Cuộc cách mạng của sự hội tụ và tiết kiệm” do TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam biên soạn. Với kinh nghiệm của người làm công tác lâu năm trong hoạch định chính sách, quản lý khoa học và công nghệ đầy tâm huyết, thấm nhuần sâu sắc, nhuần nhuyễn tư tưởng đổi mới, quan điểm chỉ đạo của Đảng và chính sách của Nhà nước, tác giả đã giải nghĩa những nội dung cơ bản nhất của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư – một đề tài đang được rất nhiều người quan tâm hiện nay.

 

Khoa học và công nghệ thế giới 2021 – Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời kỳ Covid-19

Cuốn sách “Khoa học và công nghệ thế giới 2021 – Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời kỳ Covid-19” tập trung nhấn mạnh nội dung đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự huy động chưa từng có của cộng đồng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các cơ quan và tổ chức nghiên cứu công, các quỹ tư nhân, tổ chức từ thiện và ngành y tế đã thiết lập một loạt các sáng kiến, nghiên cứu mới được tài trợ trị giá hàng tỷ USD trong thời gian kỷ lục. 6 chương của cuốn sách đề cập đến các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh đại dịch Covid-19, bao gồm:

1. Tác động của Covid-19 và phản ứng của các hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

2. Giải quyết các thách thức và khủng hoảng toàn cầu thông qua hợp tác quốc tế.

3. Hỗ trợ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời kỳ covid-19.

4. Xu hướng nghiên cứu và phát triển nhanh công nghệ robot trong bối cảnh Covid-19.

5. Xu hướng gia tăng đổi mới sáng tạo sinh học kỹ thuật để đáp ứng những thách thức toàn cầu trong bối cảnh Covid-19.

6. Quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để khắc phục khủng hoảng và phục hồi sau đại dịch Covid-19.