Đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả có quy mô đặc biệt lớn tại Đà Nẵng và TP.HCM vừa được triệt phá. Trong hai năm, đường dây này đã tiêu thụ khoảng 4 triệu cuốn sách giả.
Qua vụ việc trên, nhiều người bày tỏ sự lo ngại về những nguy cơ từ sách giáo khoa lậu, sách giả có thể gây ra và cần phải rà soát, chấn chỉnh, xử lý tình trạng này.
Hai năm, tiêu thụ 4 triệu cuốn sách
Qua công tác nghiệp vụ, Công an Đà Nẵng đã phát hiện đường dây có dấu hiệu sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả hoạt động liên tỉnh với nhiều người tham gia. Lãnh đạo Công an Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị liên quan xác lập chuyên án để tập trung đấu tranh, xóa sổ đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả này. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 14-6, ban chuyên án bắt quả tang một số nghi phạm cùng trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) về hành vi buôn bán hàng giả. Khám xét nơi ở của nhóm trên, công an phát hiện hàng trăm thùng sách các loại nghi vấn làm giả.
Tiếp tục đấu tranh mở rộng, ban chuyên án phối hợp Công an TP.HCM bắt Nguyễn Trung Luật (43 tuổi, trú quận 12), Phạm Ngọc Quang (47 tuổi, trú quận Gò Vấp) là hai nghi phạm cầm đầu đường dây sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả với quy mô rất lớn tại TP.HCM. Lực lượng công an cũng tiến hành bắt giữ nhiều người khác là quản lý xưởng in, đầu mối chuyên cung cấp cho các tỉnh, nhân viên khảo sát thị trường, nhận và giao sách đi tiêu thụ… Bước đầu xác định khoảng đầu năm 2022, nghi phạm Luật đã trao đổi và thống nhất cùng Quang – giám đốc Công ty quảng cáo Quang Thắng – sản xuất sách giáo khoa giả của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam và một số nhà xuất bản khác. Từ đó sẽ đưa sách ra thị trường tiêu thụ. Luật cung cấp giấy in, đặt số lượng để Quang tổ chức việc sản xuất sách giả tại hai xưởng in ở TP.HCM. Quang giao Phạm Xuân Năng, quản lý xưởng, thực hiện điều hành toàn bộ hoạt động tại các xưởng in. Năng đặt bản kẽm, trao đổi, thống nhất với Luật về số lượng, nhận tiền thanh toán, sau đó chuyển lại cho Quang. In xong, giấy được để nguyên khổ và vận chuyển về xưởng gia công của Luật để cắt, đóng bìa, dán tem giả, đóng thùng… Sách được đưa đến 3 kho để cất giấu, chờ mang đi tiêu thụ thông qua các đầu nậu. Số sách giáo khoa giả tại Đà Nẵng công an phát hiện, thu giữ là do một số nghi phạm ở đây đặt mua từ đầu nậu để bán lại cho các nhà sách. Theo Công an Đà Nẵng, chỉ tính trong 2 năm, số sách mà đường dây này đã tiêu thụ là khoảng 4 triệu bản.
Nhiều nguy cơ từ sách giả
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo một công ty sách tại Đà Nẵng cho rằng những sản phẩm không đúng chất lượng, kỹ thuật, màu sắc, mực in, định lượng giấy… khi đến tay người tiêu dùng (là các em học sinh) sẽ rất nguy hại. Cùng với đó, việc in không đạt tiêu chuẩn khiến sách dễ bị bung bìa, nhòe chữ, mất chữ hoặc sai nội dung, công thức… dẫn tới sai lệch nội dung. Không chỉ vậy, sách lậu, sách giả không được thẩm duyệt của cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng, có thể có những thông tin không tốt, tiềm ẩn các nguy cơ.
Ngoài ra, sách lậu, sách giả còn gây hại cho những nhà xuất bản chân chính, những công ty sách làm ăn đàng hoàng, tử tế, gây thất thu cho Nhà nước… “Cần phải rà soát thường xuyên, liên tục, từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ… để kịp thời chấn chỉnh và khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, thậm chí là xử lý hình sự” – vị này nói.
ĐOÀN CƯỜNG