Ngày càng có nhiều cách đọc mới khiến việc sách theo phong cách cổ điển ngày càng ít phổ biến hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả cách đọc mới đều xấu, ít nhất là với điện thoại.

Theo cây viết Jay Caspian Kang của trang Newyorker, trong khoảng 5 năm qua, bà thường đọc sách trên điện thoại của mình. Thói quen này xuất hiện rất tự nhiên theo yêu cầu công việc của bà. Do Kang viết nhiều bài đánh giá sách, các nhà xuất bản thường gửi những đầu sách sắp ra mắt phù hợp với sở thích của bà.

Khi một nhà xuất bản đưa ra lựa chọn giữa bản PDF và bản in, Kang thường yêu cầu bản PDF vì không muốn ngôi nhà của mình chất đầy những cuốn sách bà có thể không đọc tới. Với mục đích ban đầu là thuận tiện, nhưng giờ đây Kang đọc hầu hết tác phẩm, bất kể độ dài hay độ khó của nó, trên màn hình nhỏ của điện thoại.

 

van hoa doc anh 1

Không thể phủ nhận sự thuận tiện của việc đọc sách trên điện thoại di động. Ảnh: Goodereader.

Độc giả ít gắn kết hơn với sách?

Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự xuất hiện của những công nghệ mới cũng đi kèm với sự sụt giảm liên tục về số lượng sách, dưới mọi hình thức, đến tay độc giả. Ví dụ, một cuộc thăm dò của Gallup năm 1999 cho thấy người Mỹ trung bình đã đọc 18,5 cuốn sách trong suốt 12 tháng trước đó. Đến năm 2021, con số này đã giảm xuống còn 12,6.

Vào năm 2023, một cuộc khảo sát của National Endowment for the Arts cho thấy tỷ lệ người Mỹ trưởng thành đọc tiểu thuyết hoặc truyện ngắn đã giảm từ 45,2% năm 2012 xuống còn 37,6% vào năm 2022, mức thấp kỷ lục. Có rất nhiều giả thuyết giải thích điều này lại xảy ra, liên quan đến việc chỉ trích Internet hoặc ảnh hưởng liên tục của truyền hình, hoặc thậm chí thay đổi điều kiện lao động khi ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động.

Dù chưa có lời giải đáp chính xác nhưng một phần nào đó có thể đến từ những trải nghiệm đọc sách với thiết bị công nghệ. Theo Kang, các ứng dụng đọc sách không quá lãng phí thời gian như sử dụng mạng xã hội nhưng cũng không mang đến trải nghiệm thoải mái của việc cầm một cuốn sách trên tay. Việc dễ dàng cuộn và chạm qua từng trang sách quá dễ dàng và khiến Kang từ bỏ những cuốn sách mới nhanh hơn trước. Thêm vào đó, việc thuật toán đề xuất rất nhiều các tác phẩm tương tự cũng khiến người dùng trở nên sa lầy vào một lối mòn và dễ dàng chán chường hơn.

Cách đây vài năm, có một số ý kiến cho rằng chứng nghiện điện thoại di động một phần là do màu sắc tươi sáng trên điện thoại. Từ đó, các chuyên gia gợi ý rằng việc chuyển màn hình điện thoại sang thang màu xám sẽ khiến điện thoại trở nên buồn tẻ hơn và người dùng trở nên bớt đắm chìm hơn. Tuy nhiên, thủ thuật này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người dùng và họ có thể đổi lại chế độ điện thoại bất cứ khi nào họ muốn.

Xu hướng không thể không thích nghi

Dù vậy, đối với Kang, các ứng dụng đọc sách điện tử có giá trị riêng của chúng. Sau khi sử dụng nhiều ứng dụng khác trên điện thoại, việc chuyển sang ứng dụng đọc sách sẽ giúp giác quan tự định hướng lại, cảm thấy tỉnh táo và tràn đầy năng lượng hơn. Hoặc Kang cũng cảm thấy vui vẻ hơn sau khi đã đạt đến mốc 60% cuốn tự truyện Me của Elton John.

Với trẻ em, các ứng dụng sách dường như cũng là một giải pháp tạm thời vì chúng luôn khao khát được sử dụng điện thoại dưới bất kỳ hình thức nào. Con gái bảy tuổi của Kang đã đọc hàng trăm cuốn sách trên ứng dụng Libby.

van hoa doc anh 2

Độc giả có thể đọc sách ở nhiều không gian, thời gian khác nhau với điện thoại di động. Ảnh: Goodereader.

Thêm vào đó, với hệ điều hành đa nhiệm, người dùng có thể làm nhiều việc cùng một lúc trên điện thoại. Và với Kang, trải nghiệm này không hề xấu. Là một biên tập, một nhà văn, khi đọc các tác phẩm, bà thường quan tâm, tìm tòi các câu văn, chi tiết thú vị. Và với điện thoại, bà có thể đọc một vài trang của Bruce Chatwin tại nhà, nghe chương tiếp theo trong ô tô, sau đó quay lại ứng dụng Google Tài liệu để viết về những cảm hứng bà có được từ những câu văn, đoạn văn hay tình tiết trong tác phẩm.

Theo Kang, quá trình sáng tác hiện nay của một nhà văn không hoàn toàn khác biệt với các mô hình ngôn ngữ lớn hiện nay: Tác giả tiếp nhận ngôn từ bằng mắt, sắp xếp chúng trong đầu, sau đó đưa chúng ra ngoài bằng ngòi bút. Với phương thức đọc mới, các nhà văn cũng có thể phải điều chỉnh tác phẩm để nội dung phù hợp với độc giả qua màn hình điện tử, thay vì qua bản in.

Theo Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu GSM (GSMA), 69,4% dân số toàn cầu sở hữu ít nhất một thiết bị di động và nhu cầu sử dụng điện thoại (smartphone chiếm đa số) cũng tiếp tục tăng lên. Từ năm 2023, tỷ lệ người dùng điện thoại di động đã tăng 2,5%, nâng tổng số người dùng smartphone lên con số 5,61 tỉ vào đầu năm 2024.

Do đó, có thể thấy sự ảnh hưởng lớn của điện thoại di động tới ngành xuất bản, có thể không chỉ là văn hoá đọc mà còn có thể là văn hóa sáng tác, quảng bá hay phân phối tác phẩm trong tương lai.