Cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho ngành xuất bản

Với sự phát triển nhanh cùng đường lối chỉ đạo đúng đắn, TS Vũ Thùy Dương tin vào tương lai rộng mở của nền xuất bản Việt Nam.

Cùng sự phát triển ngày càng nhanh, hiện đại cùng cơ hội việc làm tiềm năng, xuất bản đang trở thành một trong những ngành học hấp dẫn, được nhiều học sinh sinh viên quan tâm, theo học.

Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền – cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông hàng đầu cả nước, cũng là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho ngành xuất bản những năm qua – đang ghi nhận sự thay đổi này.

Sức hút của ngành xuất bản

TS Vũ Thùy Dương – trưởng khoa Xuất bản tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền – cho biết trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thí sinh đăng ký vào ngành Xuất bản luôn lọt top cao của nhóm ngành báo chí truyền thông tại Học viện.

“Qua các mùa tuyển sinh, tôi nhận thấy rất nhiều thí sinh quan tâm đến ngành xuất bản”, bà nói với Tri thức – Znews.

TS Vũ Thùy Dương nhận định môi trường làm việc trong ngành xuất bản ngày nay cũng năng động hơn, đón nhận những ý tưởng làm sách mới lạ, độc đáo của các bạn trẻ.

Về mặt thu nhập, dù chưa cao so với ngành truyền thông, song đối với những bạn trẻ dám xông pha, đổi mới sáng tạo, bà cho rằng họ sẽ nhận được mức thu nhập tương xứng với sức lao động.

suc hut nganh xuat ban anh 1

TS Vũ Thùy Dương (áo đen) tin vào tiềm năng phát triển của ngành xuất bản. Ảnh: Fanpage Khoa Xuất bản HVBCTT.

Trưởng khoa Xuất bản của Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng tin vào sự phát triển của ngành xuất bản, rằng trong tương lai, đây vẫn sẽ là ngành trụ cột tạo dựng nền tảng tri thức cho xã hội.

“Trong thời gian tới, với sự đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về hoạt động xuất bản, khái niệm ‘tập đoàn xuất bản’ sẽ có thể hình thành và xuất hiện ở Việt Nam”, bà nhận xét.

Đào tạo nhân lực chất lượng cho ngành xuất bản

TS Vũ Thùy Dương cho biết để đáp ứng được các yêu cầu của ngành xuất bản hiện nay, ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên cần trang bị thêm về ngoại ngữ, công nghệ và các kỹ năng mềm.

Tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chương trình đào tạo ngày càng được cải tiến sát với yêu cầu thực tiễn, nội dung cập nhật, có tính ứng dụng cao, tăng cường thực hành gắn với sử dụng công nghệ.

Bà Vũ Thùy Dương cho biết Học viện đã và đang định hướng đổi mới chương trình đào tạo cử nhân ngành xuất bản theo cách tiếp cận CDIO. Theo đó, Học viện đã thực hiện các hoạt động: khảo sát các bên có liên quan, tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo để xây dựng chuẩn đầu ra chi tiết và chương trình đào tạo tích hợp đáp ứng các chuẩn đầu ra.

Học viện cũng liên tục có sự điều chỉnh, bổ sung chương trình bậc đại học và cao học cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn của ngành.

Trong đợt điều chỉnh năm 2024, Học viện đã xây dựng và thống nhất các môn học phần khối kiến thức ngành, kiến thức cơ sở ngành với nhóm báo chí – truyền thông. Điều này tạo nên sự liên thông của chương trình đào tạo xuất bản với chương trình đào tạo nhóm ngành báo chí – truyền thông, tăng cường kiến thức cho sinh viên nhằm đáp ứng sự rộng mở đầu ra việc làm.

suc hut nganh xuat ban anh 2

Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cập nhật chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu nhân sự của thị trường. Ảnh: Fanpage Khoa Xuất bản HVBCTT.

Hiện, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang đào tạo 2 chuyên ngành đại học: Biên tập xuất bản và Xuất bản điện tử.

Đối với các học phần chuyên ngành Biên tập xuất bản đều tăng cường số giờ học thực hành kỹ năng nghiệp vụ như biên tập bản thảo các loại sách chuyên ngành, kỹ năng trình bày minh họa sách và các xuất bản phẩm, các kỹ năng khai thác tổ chức bản thảo…

Một số môn học mới được đưa vào chương trình như Biên tập sách truyện tranh, Biên tập sách kinh tế, Quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động xuất bản, Tổ chức sự kiện xuất bản, Đồ họa xuất bản, Sản xuất video clip cho xuất bản phầm, Kỹ năng viết cho truyền thông xuất bản…

Bà Vũ Thùy Dương cũng cho biết trong tất cả khối kiến thức (kiến thức đại cương, kiến thức ngành, kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành) đều được thiết kế những học phần bắt buộc và tự chọn. Từ phần kiến thức cơ sở ngành các môn học tự chọn được thiết kế thành các modul để sinh viên có thể lựa chọn học các học phần theo ý muốn và khả năng học tập, từ đó hướng đầu ra cho sinh viên sẽ rộng hơn.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể có những vị trí, việc làm thích hợp trong ngành Xuất bản theo khả năng như nhân viên kinh doanh xuất bản, nhân viên truyền thông xuất bản chứ không nhất thiết chỉ làm biên tập viên.

Nguồn: Znews.vn