Chú trọng phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số

Ngày 12/7, phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ 5, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội trong thời gian tới là chú trọng phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số trên cơ sở nhận thức văn hóa đọc là giải pháp căn bản, chuyển đổi số là giải pháp đột phá…
Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ 5. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ 5. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Tham dự Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam lần thứ 5 có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đại diện các đơn vị xuất bản, phát hành…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ… đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

Chú trọng phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số ảnh 1
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tặng lẵng hoa cho Đại hội.

Trong diễn văn khai mạc, đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV cho biết, Đại hội diễn ra trong bối cảnh xuất bản trong nước và quốc tế có những biến đổi sâu sắc về nhiều mặt. Những nội dung thảo luận tại Đại hội và những nhiệm vụ, giải pháp do Đại hội đề ra có ý nghĩa thiết thực góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, thúc đẩy nền xuất bản cách mạng Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, chủ động hội nhập với xuất bản khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới phù hợp với văn hóa dân tộc VIệt Nam.

Chú trọng phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số ảnh 2
Đồng chí Hoàng Vĩnh Bảo đọc diễn văn khai mạc tại Đại hội.

Đồng thời, Hội với nhiệm vụ quan trọng, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng, xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc, khơi dậy tinh thần ham đọc sách, coi trọng tri thức, sách vở, kích thích tinh thần tự học, nỗ lực vươn lên và khát vọng cống hiến, dựng xây đất nước ngày càng tươi đẹp, phồn vinh.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2017-2023 do đồng chí Hoàng Phong Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội trình bày tại Đại hội nêu rõ, từ năm 2017 đến nay, tình hình thế giới và một số khu vực có những diễn biến phức tạp, nước ta đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết.

Chú trọng phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số ảnh 3
Các vị đại biểu dự Đại hội.

Trong bối cảnh đó, Hội Xuất bản Việt Nam đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra với một số kết quả quan trọng như: Kiện toàn được 5 ban chuyên môn và xây dựng được bộ quy chế hoạt động (gồm 9 quy chế hoạt động hội và 1 quy chế chi tiêu của Giải thưởng Sách Quốc gia). Hội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thành công Giải thưởng Sách Quốc gia đạt nhiều thành công, nâng tầm về quy mô, chất lượng so với Giải thưởng Sách Việt Nam trước đây.

Ngoài ra, Hội đã đóng góp tích cực trong Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IV, V, VI, VII, VIII; Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2017; 2018-2020 và 2021-2023.

5 mục tiêu nhiệm kỳ 2017-2023:

1. Phát triển Văn hóa đọc trong cộng đồng;

2. Góp phần xây dựng nền xuất bản lành mạnh;

3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Xuất bản;

4. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế;

5. Xây dựng Hội vững mạnh.

Trong phương hướng, nhiệm vụ của Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028, Hội xác định tiếp tục kiên trì đẩy mạnh thực hiện 5 mục tiêu nhiệm kỳ 2017-2023 đã đề ra, bổ sung và phát triển thêm một số nội dung, giải pháp trong từng mục tiêu cho phù hợp với tình hình mới trong nước và xu thế của thế giới. Đại hội xác định 11 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có phát triển văn hóa đọc, đổi mới ngành xuất bản và phát hành sách trong điều kiện tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng Giải thưởng Sách Quốc gia, tham gia các giải thưởng quan trọng, chống in và mua bán sách lậu, sách giả, tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế…

Đại hội đã lắng nghe tham luận của đại diện các đơn vị xuất bản, phát hành, nghiên cứu, giáo dục… về các chủ đề liên quan đến phát triển văn hóa đọc, hiện đại hóa ngành xuất bản, phòng chống nạn sách giả, sách lậu, phát triển các thể loại sách điện tử, mở rộng quảng bá và hợp tác xuất bản ra quốc tế…

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, trong suốt 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành xuất bản Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng, đưa nước ta từ một quốc gia thiếu sách vào những năm trước giờ đã vươn lên phát triển cả về quy mô, công nghệ, trình độ, năng lực ngang tầm khu vực với hệ thống 57 nhà xuất bản, trên 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân sách/đầu người đạt 6 bản sách/người/năm.

Chú trọng phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số ảnh 4
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại Đại hội.

Để Hội có thể khẳng định, nâng cao vị trí, vai trò của mình, trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng gợi mở 5 vấn đề trong thời gian tới đối với Hội Xuất bản Việt Nam, trong đó chú trọng triển khai nhóm nhiệm vụ gắn với yêu cầu về phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số trên cơ sở nhận thức văn hóa đọc là giải pháp căn bản, chuyển đổi số là giải pháp đột phá, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế-công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc.

Chú trọng phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số ảnh 5
Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới của Hội Xuất bản Việt Nam.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028, gồm 37 đồng chí. Trong đó, Chủ tịch Hội là đồng chí Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản (nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật). Các Phó Chủ tịch Hội bao gồm đồng chí Nguyễn Nguyên (Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành), Tống Văn Thanh (Vụ trưởng Vụ Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương), Đỗ Quang Dũng (nguyên Phó Giám đốc, Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật), Đinh Thị Thanh Thủy (Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách phía nam).

Chú trọng phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số ảnh 6
Đồng chí Phạm Minh Tuấn phát biểu bế mạc Đại hội.

Thay mặt Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, đồng chí Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội khẳng định, Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới xin hứa sẽ nêu cao tinh thần đoàn kết, nhất trí, đổi mới hoạt động, chung sức, chung lòng, vì một nền xuất bản cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, vì Tổ quốc, vì nhân dân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ, giúp đỡ nhau hoạt động có hiệu quả.

Chú trọng phát triển văn hóa đọc và chuyển đổi số ảnh 7
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tặng hoa chúc mừng tân Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Phạm Minh Tuấn.

Đồng chí khẳng định, Ban chấp hành nhiệm kỳ mới sẽ góp phần xây dựng ngành xuất bản thành ngành kinh tế-công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc; hoàn thành tốt nhiệm vụ, sứ mệnh của ngành, xứng đáng là vũ khí tư tưởng của Đảng, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, động viên, khích lệ, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước…

Nguồn:Nhandan.vn