Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) vừa tổ chức Diễn đàn Đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia năm 2024 với chủ đề “Xây dựng nền tảng phát triển đại học định hướng ĐMST”.
Phát triển các trụ cột chính là chính sách – đào tạo – nghiên cứu, chuyển giao tri thức
Diễn đàn là sự kiện thường niên do Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp – ĐHQGHN khởi xướng và tổ chức dành cho cộng đồng khởi nghiệp và ĐMST, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, gợi ý phát triển hệ sinh thái ĐMST Việt Nam trở thành trung tâm sáng tạo của quốc gia và khu vực. Diễn đàn là nơi các nhà hoạch định chính sách, tổ chức quốc tế, lãnh đạo các tập đoàn lớn, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng thảo luận và tìm giải pháp phát triển cho Việt Nam trên nền tảng kinh tế tri thức và sáng tạo.
Với chủ đề “Xây dựng chiến lược nền tảng phát triển đại học định hướng đổi mới sáng tạo”, Diễn đàn nhấn mạnh vào việc phát triển các trụ cột chính là chính sách – đào tạo – nghiên cứu, chuyển giao tri thức, giúp tập trung vào các vấn đề quan trọng, từ việc xây dựng chính sách để tạo điều kiện cho đổi mới, đến việc cải thiện quy trình đào tạo và tăng cường nghiên cứu cũng như chuyển giao tri thức và công nghệ từ trường đại học ra cộng đồng, doanh nghiệp. Điều này sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đại học và sự phát triển của đất nước.
Nói về vai trò của ĐMST, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho biết: ĐMST đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới. Chính vì thế, việc tổ chức Diễn đàn ĐMST Quốc gia với các chủ đề thảo luận thiết thực là một việc làm cần thiết không chỉ để gắn kết các nhà khoa học, chuyên gia, nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) của cả nước mà còn là cơ hội để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá thực trạng công tác KHCN&ĐMST ở Việt Nam hiện nay, phân tích các bài học thành công và học tập kinh nghiệm của nước ngoài cũng như trong nước, từ đó đề xuất các giải pháp gắn kết các thành phần của hệ sinh thái ĐMST, tăng cường chất lượng, hiệu quả của các hoạt động KHCN&ĐMST gắn với thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp để KHCN&ĐMST thực sự dẫn dắt, định hướng sự phát triển của kinh tế – xã hội đất nước.
Phó Giám đốc Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh, các kết quả từ Diễn đàn này sẽ góp phần gắn kết, nâng cao năng lực cho các cấu phần của hệ sinh thái ĐMST để mỗi thành phần trong hệ sinh thái này tự sáng tạo ra các giá trị và liên kết với nhau chặt chẽ, tạo ra các giá trị chung của toàn bộ hệ sinh thái ĐMST quốc gia. Ví dụ như: các trường đại học – một chủ thể quan trọng của ĐMST sẽ phát huy được mạnh mẽ thế mạnh và thực thi sứ mệnh của mình hiệu quả khi ở tầm vĩ mô, các nhà quản lý nhìn nhận ra vấn đề ĐMST và cơ chế chính sách cho ĐMST ở trường đại học là nhân tố sống còn cho phát triển một xã hội ĐMST và chủ động sáng tạo giá trị. Khi đó, bản thân các trường chủ động nâng cao nội lực thông qua quyết tâm thay đổi, đặt ĐMST vào nhiệm vụ trọng tâm để tự đổi mới chính mình và xác định kỳ vọng đầu ra một cách rõ ràng, minh bạch, bằng chiến lược hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả với khu vực tư nhân và thị trường.
Tại Diễn đàn các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý tham gia diễn đàn cùng liên kết chặt chẽ và lan toả các ý nghĩa, giá trị của ĐMST, để ĐMST thực sự thấm vào trong từng hoạt động của đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, trở thành nguồn cảm hứng, động lực cho sự phát triển quốc gia.
Đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng và là tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết: Cùng với sự tiến bộ về nền tảng KHCN&ĐMST của Việt Nam và trước sức ép thay đổi nhanh chóng của thế giới trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hiện đã có sự chuyển biến trong tư duy, hành động từ những nhà hoạch định chính sách tới đội ngũ quản lý giáo dục, giảng viên, nhà khoa học, cộng đồng. Bộ GD&ĐT đang xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá cơ sở giáo dục đại học khởi nghiệp ĐMST bao gồm: cơ chế, chính sách, công tác quản lý, phát triển đội ngũ chuyên trách, thúc đẩy khởi nghiệp, ĐMST gắn với hoạt động khoa học và công nghệ, đào tạo, kết nối các nguồn lực trong và ngoài trường… tạo ra môi trường thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ĐMST trong giảng viên, sinh viên.
Khẳng định sự quan trọng của KHCN&ĐMST, ông Tạ Đình Thi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: KHCN&ĐMST được Đảng, Nhà nước ta xác định là động lực, một trong những đột phá chiến lược cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng yêu cầu cần có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống ĐMST quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu và thực tiễn về đại học ĐMST, GS.TS Nguyễn Hữu Đức – nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN, Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia về GD&ĐT đã đưa ra những nhận định quan trọng trong chiến lược phát triển Đại học ĐMST. Theo ông Đức, hiện nay, ĐMST ngày càng trở nên quan trọng và là tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững của các quốc gia. Đặc biệt, ĐMST đang trở thành yếu tố quyết định đối với năng lực cạnh tranh của các trường đại học trong nước và trên thế giới. Nếu như các trường đại học không có năng lực ĐMST thì giáo dục đại học và khoa học, công nghệ không trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, không có khả năng vốn hóa tri thức và gia tăng giá trị, nền kinh tế không có được chất xúc tác từ đại học và quốc gia không có động lực để phát triển.
Các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Diễn đàn đều được Ban tổ chức tập hợp, soạn thảo thành văn bản đề xuất lên các cơ quan quản lý làm căn cứ tham khảo để đưa ra chiến lược tổng thể và những chính sách phù hợp hỗ trợ cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các trường đại học đang gặp phải trên con đường phát triển đại học ĐMST. Nhiều chuyên đề chuyên sâu xoay quanh bài toán ĐMST được các chuyên gia trao đổi và thảo luận để các trường đại học, học viện đưa ra bức tranh tổng thể về ĐMST ở các trường đại học hiện nay, từ đó có những đề xuất, kiến nghị phù hợp, tạo ra nhiều sản phẩm chuyển giao gắn với thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thùy Dương