Thương mại điện tử nở rộ không triệt tiêu hoạt động của các chuỗi nhà sách, mà hai kênh online – offline bổ trợ lẫn nhau, theo chia sẻ của đại diện một chuỗi nhà sách lớn.

Trong bối cảnh thương mại điện tử nở rộ, các nhà sách vật lý cũng không ngoại lệ khi phải cạnh tranh với các kênh bán sách trực tuyến và các hình thức kinh doanh cập nhật như bán hàng qua livestream. Tuy nhiên, đại diện chuỗi nhà sách FAHASA khẳng định rằng thương mại điện tử không triệt tiêu mà ngược lại, bổ trợ cho hoạt động kinh doanh của các chi nhánh nhà sách.

Tập trung vào trải nghiệm khách hàng

Vinabook.com ra đời vào năm 2004 cũng là cột mốc đánh dấu hình thức mua bán trực tuyến tham gia vào ngành hàng kinh doanh sách của Việt Nam. Kể từ đó, ngành sách chứng kiến sự góp mặt và phát triển của Tiki, rồi đến các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada,… và gần đây nhất là TikTok shop. Nhiều đơn vị xuất bản, phát hành cũng có mặt trên các nền tảng này.

Nhìn vào các độc giả canh chừng săn khuyến mãi lớn vào các dịp như ngày đôi, ngày 15, ngày 25 hàng tháng, người ta dễ lầm tưởng rằng hình thức mua sách tại chỗ truyền thống hiện khó mà tồn tại và cạnh tranh với thương mại điện tử. Song tình hình hoàn toàn trái ngược khi nhìn vào chuỗi nhà sách lớn FAHASA (tên viết tắt của Công ty cổ phần Phát hành sách TP.HCM).

nha sach anh 1

Ông Phạm Nam Thắng – Tổng giám đốc FAHASA. Ảnh: NVCC.

Ông Phạm Nam Thắng – Tổng giám đốc FAHASA – chia sẻ: “Các kênh bán online thường thu hút được đối tượng là các bạn trẻ, vốn rất nhạy về giá. Tuy nhiên, điều thu hút độc giả, khách hàng không chỉ có giá tốt”. Theo đó, FAHASA rất chú trọng vào trải nghiệm khách hàng. Mỗi nhà sách đều được đầu tư về vị trí, không gian, hàng hóa có số lượng phong phú và đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng.

Hiện khoảng 45-50% doanh thu ở FAHASA đến từ ngành hàng khác, bên cạnh sách quốc văn chiếm 25-30% và sách ngoại văn chiếm 25%. Do đó việc bố trí các sản phẩm này cùng với sách là một yếu tố được quan tâm đặc biệt. Tại các nhà sách các sản phẩm liên quan thường đặt gần các đầu sách phù hợp theo từng chủ đề để khách hàng thuận tiện đối chiếu, tham khảo. Một ví dụ là sản phẩm giáo dục trẻ nhỏ, phục vụ mục đích dạy học tại nhà thường được đặt gần các kệ sách về nuôi dạy con cái, bổ túc kiến thức phụ huynh.

Ngoài ra, trong các năm gần đây 17 trong tổng số 120 nhà sách FAHASA trên cả nước đã đưa vào hoạt động mô hình nhà sách thông minh ứng dụng công nghệ phục vụ khách hàng. Một số điểm mới tại các nhà sách thông minh này là: app định vị hàng hóa giúp khách hàng có thể nhanh chóng tìm được sản phẩm (mô hình tiên tiến này đang được áp dụng tại các nhà sách lớn trên thế giới nhằm tiết giảm tối đa thời gian mua sắm của khách hàng), cây thanh toán tự động cho phép khách hàng thanh toán qua thẻ bằng cách quét mã sản phẩm.

Chuỗi nhà sách ADC cũng ghi nhận mức doanh thu kỷ lục hơn 400 tỷ đồng trong năm 2023 và tiếp tục mở rộng trong năm 2024. Chia sẻ với Tri thức – Znews, Giám đốc Trung tâm Sách và Thiết bị Giáo dục ADCBook Kiều Anh Tuấn cho biết phương châm của công ty là “bán hàng là phục vụ”, cũng là điểm khiến nhà sách này duy trì hoạt động và cạnh tranh được trong bối cảnh thương mại điện tử hiện nay.

Hợp tác chặt chẽ với các đơn vị xuất bản

Một yếu tố then chốt trong hoạt động kinh doanh nhà sách là các đơn vị phát hành này phải làm việc sâu sát với các đơn vị xuất bản sách và cung ứng các sản phẩm giáo dục, giải trí, lưu niệm liên quan.

Dựa trên tình hình doanh thu các dòng sách của mình, FAHASA cũng nhận xét, nắm bắt được xu hướng chuyển dịch trong ngành sách và nhu cầu của độc giả. Đơn cử trong nửa năm qua dòng sách dán hình cho trẻ em thu hút chú ý và nhờ thông tin này, nhiều đơn vị xuất bản đã vào cuộc sản xuất so với chỉ 1-2 đơn vị ban đầu. Hoặc sau khi dịch Covid-19 qua đi thì các dòng sách tâm linh, chữa lành bán chạy, nhu cầu về sách ngoại văn tăng cao và đa dạng ngoại ngữ hơn…

Nhận định rằng vi phạm sách giả, sách lậu tràn lan trên các kênh bán online và nhất là mạng xã hội ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phát hành sách nói riêng và ngành xuất bản nói chung, ông Thắng cho biết FAHASA gặp một số khó khăn khi làm việc về vấn đề này với các sàn thương mại điện tử vì quy trình xử lý chưa được tối ưu hóa. Riêng về mạng xã hội, theo ông đây dường như là nơi các đối tượng vi phạm hoành hành mà không được kiểm soát.

Cũng như nhiều nhà phát hành, xuất bản khác, ông Thắng kỳ vọng vào các chế tài chặt chẽ hơn trong tương lai nhằm bảo vệ các đơn vị kinh doanh chân chính, cũng là bảo vệ nền xuất bản. Về nội bộ, FAHASA hướng đến làm việc với các đơn vị uy tín và kỹ lưỡng, chủ động trong khâu vận chuyển, kiểm kê hàng hóa.

Nguồn: Znews.vn