Ngành xuất bản có nhiệm vụ nâng số sách người đọc mỗi năm, gồm sách giấy và điện tử, theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Tại Hội nghị Triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm 2024, diễn ra tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng ngành xuất bản phải đổi mới, tư duy lại cách làm sách để phục vụ độc giả tốt hơn.
Ông cho rằng người Việt Nam đang đọc ngày càng nhiều hơn, bằng nhiều cách khác nhau, đa dạng về hình thức, trong thời đại công nghệ và chuyển đổi số.
“Độc giả ở đâu thì chúng ta phải đến đó. Đổi mới sáng tạo sẽ là câu chuyện chính của xuất bản. Đổi mới về cách làm, phân phối sách, về các mô hình kinh doanh, mô hình hợp tác mới. Phải mạnh dạn thử sai để tìm ra cái phù hợp cho từng nhà xuất bản. Đổi mới tạo ra tương lai của xuất bản. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp nhận xử lý các Sandbox trong lĩnh vực xuất bản”, Bộ trưởng nói.
Các đơn vị làm sách, NXB cần xây dựng nền tảng số làm sách, từ khâu sáng tác, biên tập đến sản xuất, giới thiệu và phân phối đa nền tảng, cũng như tương tác với người đọc, để bạn đọc tham gia vào các công đoạn của sách. Từ đó, nhà xuất bản có thể trở thành một nền tảng cung cấp công cụ cho nhiều người viết sách, xuất bản, phân phối
Hiện nay, Ngày Sách Việt Nam thành Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Nhiều quốc gia có giờ đọc trong trường phổ thông. Những người có uy tín, chính trị gia, doanh nhân, văn nghệ sĩ, người nổi tiếng đều đọc sách và tham gia giới thiệu sách. Nhiều cơ quan truyền thông cũng lập chuyên mục Mỗi ngày một cuốn sách để cổ vũ văn hóa đọc. Tuy vậy, theo thống kê của Bộ, số sách một người Việt đọc hàng năm hiện nay là không cao so với các nước trong khu vực và thế giới.
Bộ trưởng cho rằng mỗi quyển sách có “vô vạn hình tướng” để tiếp cận bạn đọc. Do đó, nếu được triển khai hiệu quả qua nhiều cách thức, nhiều nền tảng, thì một quyển sách có thể không chỉ tiếp cận được hàng nghìn, trăm nghìn bạn đọc mà thậm chí có thể tới được hàng triệu người.
“Sách là tri thức. Tri thức phải đến được mỗi người nhiều hơn thì đất nước mới phát triển nhanh và bền vững. Vậy nên, ngành xuất bản có nhiệm vụ nâng số sách mà một người Việt Nam đọc mỗi năm”, ông Hùng nói.
Tại hội nghị, nhiều khó khăn của ngành được các đại biểu đề cập như: Thiếu đề tài hay, thị trường truyền thống bị thu hẹp, còn mảng sách điện tử tăng chậm, nhân lực ngành xuất bản hạn chế. Do vậy, ngành cần hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế số, trọng tâm là sửa đổi Luật Xuất bản, xây dựng hạ tầng số cho toàn ngành. Đồng thời, mỗi năm thị trường sách trong nước cần có một vài tác phẩm thu hút được đông đảo bạn đọc, từ đó, kích thích văn hóa đọc trong toàn xã hội.
Cục Xuất bản được đặt nhiệm vụ tổ chức nhiều hội thảo, mời các chuyên gia trong và ngoài nước, bàn về các mô hình xuất bản mới và đào tạo nhân lực cho ngành sách. “Cục phải đóng vai trò nhạc trưởng để sách có sự cân đối, sự cân đối trong hệ tri thức Việt Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Nguồn: vnexpress.net