‘AI sẽ thay đổi những điều cơ bản nhất trong xã hội’

Không đơn thuần về công nghệ, AI ra đời còn tạo nên một cuộc cách mạng về văn hoá với những hành vi mới, theo ông Phinith Chanthalangsy.

Đây là nhận định của ông Phinith Chanthalangsy – cố vấn cấp cao và quản lý chương trình Khoa học, Xã hội và Nhân văn, văn phòng khu vực UNESCO ở Bangkok tại ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024 (AI4VN). Sự kiện diễn ra sáng 23/8 tại trung tâm hội nghị quốc gia, Hà Nội.

Trong phiên thảo luận mở chủ đề “Đối thoại toàn cầu về đạo đức trong trí tuệ nhân tạo: Mối đe dọa hiện nay là gì?”, ông Chanthalangsy cho rằng, AI sẽ thay đổi những điều cơ bản nhất trong xã hội loài người.

Vị đại diện UNESCO lấy ví dụ, trong văn hoá Á Đông, trước đây, khi công nghệ chưa phát triển, người phụ nữ phải làm việc nhà một cách thủ công. Tuy nhiên từ khi có các loại máy móc, phụ nữ được giải phóng sức lao động, họ có thời gian phát triển phát triển bản thân, làm kinh tế. “Công nghệ có khả năng thay đổi hệ giá trị chúng ta tin vào”, ông Chanthalangsy nhấn mạnh.Ông Phinith Chanthalangsy phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Giang Huy

Ông Phinith Chanthalangsy phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Giang Huy

Chia sẻ thêm về nhận định này, ông cho rằng AI là hệ thống có tính toán, sức mạnh trong việc thuyết phục. Ở nhiều quốc gia, trí tuệ nhân tạo được tích hợp trên các thiết bị giám sát, có thể thu thập hành vi công dân, từ đó chấm điểm xã hội các cá nhân. “Điều này giúp con người điều chỉnh hành vi. Chúng ta có thể sử dụng big data của bản thân để tác động chính mình”, chuyên gia nói .

Tuy nhiên, cần có mục tiêu sử dụng, hành lang pháp lý rõ ràng để ứng dụng AI một cách có đạo đức và hiệu quả.

Kết thúc phần trình bày, đại diện UNESCO chia sẻ, công nghệ không vô tri, nó có giá trị nhất định. Điều con người cần là làm chủ công nghệ. “UNESCO sẽ đồng hành với Việt Nam để sử dụng AI một cách có đạo đức và não bộ con người là yếu tố trọng tâm”, ông khẳng định.

Tại Việt Nam, chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 xác định: đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Các doanh nghiệp cũng không đứng ngoài cuộc trong quá trình này.

Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc phát triển, ứng dụng tự động hoá và AI, Viettel cũng đã có những bước đi hiệu quả trong quá trình kinh doanh và cung cấp cho các đối tác

Theo ông Lê Đăng Ngọc – Phó Giám đốc khối nền tảng Trí tuệ nhân tạo Viettel AI, nếu như trước đây, khách hàng phải mất một buổi để đăng ký các dịch vụ ở trung tâm chăm sóc khách hàng hoặc văn phòng giao dịch thì ngày nay, với AI, có thể rút ngắn thời gian giao dịch xuống còn vài phút, ngay tại nhà.

Hệ thống tự động hóa xử lý hồ sơ trong giúp ngân hàng giảm 48% thời gian xử lý, tự động hóa tác vụ giao tiếp khách hàng giúp giải phóng nhân sự, tăng năng suất 200% so với trước đây.

Ông Lê Đăng Ngọc - Phó Giám đốc Khối nền tảng Trí tuệ nhân tạo, Viettel AI Ảnh: Giang Huy

Ông Lê Đăng Ngọc – Phó Giám đốc Khối nền tảng Trí tuệ nhân tạo, Viettel AI. Ảnh: Giang Huy

Vị phó giám đốc lấy ví dụ, thời kỳ Covid, nhờ ứng dụng AI do Viettel phát triển, một ngân hàng đã có thêm một triệu thuê bao mới.

“Cách chúng tôi tiếp cận là triển khai cho nội bộ hiệu quả mới đem nhân rộng doanh nghiệp bên ngoài. Vì vậy luôn đảm bảo tính chính xác và hiệu quả cao”, ông Đăng Ngọc nói thêm.

Kết thúc phần trình bày, Phó giám đốc Viettel AI cho biết, đơn vị này tự động hoá toàn bộ quy trình của doanh nghiệp, từ ghi nhận thông tin đến chăm sóc sau khách hàng.

Không chỉ trong dịch vụ, những năm qua AI cũng được ứng dụng sâu rộng trong các ngành sản xuất. Là một doanh nghiệp có 150 hình thành phát triển trên thế giới, trên 30 bước chân vào thị trường Việt Nam, đóng góp 0,5% GPP đất nước, Heineken cũng không đứng ngoài cuộc chơi này.

Tham luận về chủ đề Tiên phong chuyển đổi số và ứng dụng AI tại Heineken Việt Nam, bà Đặng Huỳnh Mai Anh – Giám đốc dữ liệu và phân tích Heineken Việt Nam cho biết hiện doanh nghiệp đang ứng dụng AI từ khâu sản xuất cho đến người dùng cuối.

“Chúng tôi có nền tảng để kiểm soát từ khâu sản xuất, đến việc nhân viên tự kiểm soát KPI và các đối tượng bán lẻ cần tăng doanh thu”, bà Mai Anh nói.

Để là được điều đó, Heineken nhìn nhận dữ liệu, data là nguồn tài sản mới, tạo ra lợi thế cạnh tranh. Nhưng tích luỹ nhiều dữ liệu mà không sử dụng hợp lý sẽ thành món nợ do chi phí vận hành. Vì vậy bài toán doanh nghiệp phải đối mặt chính là việc sử dụng dữ liệu sao cho hiệu quả.Bà Đặng Huỳnh Mai Anh - Giám đốc Dữ liệu & Phân tích Heineken Việt Nam Khai mạc Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024. Ảnh: Giang Huy

Bà Đặng Huỳnh Mai Anh – Giám đốc Dữ liệu & Phân tích Heineken Việt Nam Khai mạc Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024. Ảnh: Giang Huy

Bà Mai Anh cho rằng, Việt Nam là một thị trường tiềm năng, nhân tài Việt Nam có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo của Heineken. Bởi hiện tại, doanh nghiệp này có hai trung tâm công nghệ phục vụ toàn APEC đều đặt tại Việt Nam.

Kết lại phần trình bày, bà cho biết cần nhiều hơn các sân chơi cho nhân lực. “Bước đầu tiên là ươm mầm giấc mơ ở những sự kiện như AI4VN”.

Ngày hội Trí tuệ nhân tạo là sự kiện thường niên, do báo VnExpress tổ chức. Với mục tiêu thúc đẩy phát triển công nghệ và hệ sinh thái AI tại Việt Nam, trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam AI4VN 2024, chương trình AI Workshop được tổ chức với 4 phiên nội dung với các chủ đề về: Tự động hóa và AI – AI Automation, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam; Data center và AI Cloud, Ứng dụng AI trong lĩnh vực Y tế. Chương trình có sự tham dự của các khách mời là các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp ứng dụng AI vào từng lĩnh vực trong nước và quốc tế.

Thanh Lan