Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Quân cho rằng, chỉ có thời gian mới có thể trả lời được vấn đề này.
Trao đổi với báo chí tại một hội thảo diễn ra 25/12 tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, hiện tại, trên thế giới cũng như tại Việt Nam vẫn tồn tại 2 quan điểm trái ngược nhau về cây trồng biến đổi gen.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân. (Ảnh: Lê Văn)
"Một quan điểm ủng hộ phát triển cây trồng biến đổi gen để thích nghi với biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, quan điểm khác lại cho rằng, cây trồng biến đổi gen vẫn chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ", Bộ trưởng Quân cho hay.
"Khoa học thế giới hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định cây trồng biến đổi gen có tác động thế nào với con người về dài hạn. Mặc dù những nghiên cứu ngắn hạn đã có", Bộ trưởng Quân nói thêm.
Chính vì lý do này, hiện nay, một số quốc gia cấm trồng và thương mại cây trồng biến đổi gen. Trong khi đó, một số quốc gia lại không cấm.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, tại Việt Nam, cây trồng biến đổi gen cũng được nghiên cứu khá nhiều, nhiều giống được nhập về và cũng có nhiều giống cây biến đổi gen được tạo ra.
"Tuy nhiên, việc đưa cây trồng biến đổi gen thành cây trồng chính trên diện tích rộng và đại trà cần rất cẩn trọng", ông Quân nói. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) sau một thời gian dài khảo nghiệm mới chỉ công nhận 3 giống ngô biến đổi gen. "Những vấn đề khác vẫn phải tiếp tục nghiên cứu".
"Không ai có thể nói trước được tác hại của cây trồng biến đổi gen đối với con người. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời được", ông Quân nói.
Chủ động tạo ra giống cây biến đổi gen
Hiện tại đã có 3 giống ngô biến đổi gen được cấp phép tại Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết, đối với việc nghiên cứu và phát triển cây trồng biến đổi gen, trong các đề tài mà Bộ KHCN giao cho Bộ NN&PTNT có 2 định hướng lớn: Thứ nhất là nghiên cứu những tác động của cây trồng biến đổi gen đối với sức khỏe con người. Thứ 2 là Việt Nam cần phải tự nghiên cứu làm chủ công nghệ biến đổi gen để tạo ra những giống cây trồng biến đổi gen.
Theo ông Quân, cây trồng biến đổi gen có đặc điểm là không làm được giống thì phải mua giống và các giống này thoái hóa rất nhanh dù năng suất không cao.
"Nếu phải mua giống của nước ngoài thì chúng ta sẽ bị phụ thuộc nhiều. Bởi nếu họ không cung cấp hoặc cung cấp giống không đảm bảo thì thiệt hại của ngành nông nghiệp sẽ rất lớn", ông Quân phân tích.
Bộ trưởng KHCN thông tin, cả châu Âu hiện nay phản đối cây trồng biến đổi gen rất dữ dội vì họ cho rằng, các tập đoàn đa quốc gia có thể khống chế quốc gia của họ bằng giống cây trồng. Nếu như các công ty này ngừng cung cấp giống thì hệ thống nông nghiệp sẽ bị thiệt hại rất lớn.
"Do đó, chúng ta buộc phải tự tạo ra những giống cây trồng biến đổi gen để người dân được hưởng lợi", ông Quân kết luận.
Tại Việt Nam, hiện chỉ mới có 3 giống ngô biến đổi gen cấp phép, gồm: giống ngô biến đổi gen MON 89034 và NK603 của công ty Dekalb Việt Nam, thuộc Tập đoàn Monsato và giống ngô GA21 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam
Trong đó, giống MON 89034 có đặc tính kháng kháng đối với một số loài sâu hại bộ cánh vảy (Lepidoptera) như sâu đục thân (Ostrinia furnacalis), sâu đục bắp (Helicoverpa armigera) và sâu khoang (Spodoptera litura). Giống NK603 và GA21 có đặc tính kháng thuốc trừ cỏ.
Ngoài ra, theo Thông tư liên tịch số 45 giữa Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành cuối tháng 11/2015 thì kể từ tháng 1/2016, thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng đều phải ghi nhãn khi lưu thông tại thị trường Việt Nam.
Theo VietNamNet