Nếu như trước đây, bệnh nhân cần điều trị bảo tồn chấn thương thận bằng can thiệp mạch phải sang Singapore hoặc Thái Lan, tốn 200-300 triệu đồng (chưa kể tiền nằm viện) thì nay đã có thể điều trị trong nước với chi phí chỉ 10-30 triệu đồng.
Đây là thành quả của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật can thiệp mạch và phẫu thuật nội soi trong điều trị chấn thương gan và thận” do PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết – nguyên Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – làm chủ nhiệm.
Đề tài thuộc chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước lĩnh vực y – dược (mã số KC.10/11-15: Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng).
Nhiều kỹ thuật phức tạp đã được các bác sỹ, nhà khoa học Việt Nam làm chủ.Ảnh: HV
Bệnh nhân bớt đau, mất ít máu
Đề tài này đã được các nhà khoa học nghiên cứu, thực hiện trong gần 3 năm, với mục tiêu xây dựng được quy trình can thiệp nội mạch và phẫu thuật nội soi trong điều trị chấn thương gan, thận. Can thiệp nội mạch và phẫu thuật nội soi ổ bụng là hai phương pháp điều trị can thiệp ít xâm lấn mới, là lựa chọn hàng đầu của các bác sỹ.
Hai phương pháp này ngày càng được áp dụng rộng rãi trong điều trị chấn thương tạng đặc để làm tăng khả năng bảo tồn gan và thận, đồng thời làm giảm các biến chứng trong và sau điều trị bảo tồn chấn thương hai cơ quan nội tạng này.
Phẫu thuật nội soi là phương pháp an toàn, giúp chẩn đoán và xử trí hiệu quả các tổn thương ở gan và thận, đồng thời cho phép các bác sỹ điều trị các tổn thương phối hợp khác trong ổ bụng bệnh nhân.
Ngoài khả năng bảo tồn gan và thận bị chấn thương, phẫu thuật nội soi còn giúp giảm đau cho bệnh nhân sau mổ. Những người được điều trị tổn thương gan, thận bằng phương pháp này phục hồi lưu thông tiêu hóa sớm hơn, thời gian nằm viện được rút ngắn, lượng máu cần truyền thấp hơn nhiều so với mổ mở. Đó là chưa kể với phẫu thuật nội soi, nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng của bệnh nhân thấp hơn rất nhiều so với mổ mở.
PGS Nguyễn Tiến Quyết cho biết, do nhận thức được lợi thế tối ưu của kỹ thuật này, nhóm nghiên cứu đã sang Cộng hòa Pháp học tập, cập nhật kiến thức tiên tiến về phẫu thuật nội soi trong điều trị chấn thương gan và thận: “Đoàn công tác đã cập nhật những kiến thức mới nhất về phẫu thuật nội soi ổ bụng từ các chuyên gia hàng đầu của Pháp, sau đó nghiên cứu triển khai các kỹ thuật này tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội trong phạm vi đề tài”.
PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết cũng cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng được những chỉ định, quy trình kỹ thuật can thiệp mạch và phẫu thuật nội soi chuẩn trong điều trị chấn thương gan, thận, đạt được tính khoa học, hiện đại, cập nhật và có tính thực tiễn cao. Hiện nay, các quy trình kể trên đã được áp dụng rộng rãi trong điều trị cấp cứu chấn thương gan, thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, làm tăng khả năng bảo tồn tạng chấn thương và giảm được tỷ lệ mổ mở trong cấp cứu.
Trong đề tài này, quy trình phẫu thuật nội soi trong điều trị chấn thương gan, thận có tỷ lệ thành công đạt 75%, giúp bảo tồn chức năng gan, thận, tỷ lệ tai biến và biến chứng dưới 10%.
Việc ứng dụng quy trình can thiệp mạch để điều trị bệnh nhân chấn thương gan và thận cho các bệnh nhân đều đạt kết quả tốt. Tỷ lệ nút mạch cầm máu thành công đạt 98% đối với chấn thương gan và 96,7% sau lần nút đầu đối với chấn thương thận. Không có bệnh nhân nào phải chỉ định mổ mở để cầm máu.
Chi phí có thể giảm đến 10 lần
Theo giới chuyên môn, thông thường một bệnh nhân điều trị bảo tồn chấn thương thận bằng can thiệp mạch trước đây phải sang Singapore hoặc Thái Lan. Họ sẽ phải trả tiền điều trị khoảng 200-300 triệu đồng, ngoài ra còn phải tốn một khoản lớn khác cho chi phí nằm viện, tiền vé máy bay, đi lại… Từ khi Việt Nam làm chủ được kỹ thuật này, người bệnh chỉ phải trả từ 10-30 triệu đồng tùy chủng loại trang thiết bị, vật liệu. Mức phí này giúp cho những bệnh nhân thu nhập trung bình có cơ hội được điều trị bằng kỹ thuật cao.
Còn với phương pháp phẫu thuật nội soi, các bệnh nhân chấn thương gan và thận tiết kiệm được tổng chi phí đáng kể so với phẫu thuật mở do giảm được thời gian mổ, giảm lượng thuốc gây mê, lượng máu và dịch truyền trong ca mổ, rút ngắn từ một nửa đến 2/3 thời gian nằm viện cũng như giảm chi phí chăm sóc.
TS Nguyễn Tiến Quyết cho biết, hiện Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức triển khai và chuyển giao kỹ thuật “điều trị bảo tồn chấn thương tạng đặc” – bao gồm cả 4 nội dung của đề tài nghiên cứu “Ứng dụng kỹ thuật can thiệp mạch và phẫu thuật nội soi trong điều trị chấn thương gan và thận” – cho 7 bệnh viện vệ tinh tuyến tỉnh khu vực phía bắc.
Hà Vy