Ứng dụng bức xạ hạt nhân trong y học: Thiếu máy, thiếu cả người

Ngay cả bệnh viện tuyến tỉnh cũng không đủ trang thiết bị xạ trị, điện quang và y học hạt nhân cơ bản để chẩn đoán. Cán bộ có đủ trình độ sử dụng chúng trong việc khám, chữa bệnh cũng không nhiều.
 
Các ứng dụng bức xạ như tia X, kỹ thuật siêu âm 4D, cộng hưởng từ (MRI), xạ trị điều biến liều (IMRT)… ngày càng được áp dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu đủ thứ để ứng dụng y học hạt nhân, xạ trị và X-quang thực sự hiệu quả.
 
Quy hoạch không cao vẫn khó “với”
 
GS-TSKH Phạm Sỹ An – Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam – cho biết, nhiều năm qua, các ứng dụng bức xạ đã được đưa vào bệnh viện với vai trò mà các thiết bị, phương pháp khác không thay thế được, tạo nên 3 chuyên ngành y học hạt nhân, xạ trị ung thư và chẩn đoán hình ảnh (điện quang). Đến hết năm 2013, ngành y tế có hơn 1.400 cơ sở bức xạ đang hoạt động.
 
 
Các ứng dụng bức xạ đã được áp dụng tại các cơ sở y tế trong chẩn đoán, điều trị mà các thiết bị, phương pháp khác không thể thay thế. Ảnh: TK
Trước đó – năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, Việt Nam sẽ phát triển kỹ thuật chụp hình bức xạ đến bệnh viện tuyến tỉnh, mỗi bệnh viện tỉnh có ít nhất một máy chụp cắt lớp đơn quang tử (SPECT). Cả nước phải có một số máy chụp sử dụng đồng vị phóng xạ phát positron (PET), ngoài ra còn tăng cường thiết bị điều trị, sàng lọc một số dị tật bẩm sinh bằng kỹ thuật đồng vị phóng xạ… Tuy nhiên, giới chuyên môn nhận thấy để thực hiện thành công quy hoạch này, có nhiều điểm cần được khắc phục.
 
Theo GS Phạm Sỹ An, hiện công tác xạ trị còn rất hạn chế do thiếu cả cơ sở vật chất, trang thiết bị lẫn cán bộ được đào tạo đúng chuyên khoa, có kinh nghiệm. Quy hoạch triển khai các khoa xạ trị cũng chưa có. Cơ sở vật chất của các đơn vị X-quang và y học hạt nhân còn nghèo nàn, thiếu trang thiết bị cơ bản và hiện đại phục vụ chẩn đoán, điều trị. Các bệnh viện tỉnh thiếu rất nhiều thiết bị xạ trị, điện quang và y học hạt nhân cơ bản để chẩn đoán. Thậm chí, nhiều bệnh viện có thiết bị nhưng đã quá cũ và lạc hậu. “Với tốc độ phát triển như hiện nay, rất khó đạt chỉ tiêu mà quy hoạch đã xác định – nhất là về y học hạt nhân và xạ trị” – GS Phạm Sỹ An nói.
 
Chưa có hệ thống đào tạo chính quy
 
Không chỉ nghèo về thiết bị, ngay cả nguồn nhân lực cho xạ trị, X-quang và y học hạt nhân cũng còn thiếu, nhất là cán bộ có đủ chuyên môn, trình độ khám, chữa bệnh với kỹ thuật cao, hiện đại.
 
“Chưa có hệ thống đào tạo cán bộ chuyên khoa xạ trị, bao gồm cả y học và kỹ thuật một cách đầy đủ – đặc biệt là đào tạo chuyên ngành sâu của xạ trị, X-quang và y học hạt nhân. Vấn đề đào tạo bài bản, cấp chứng chỉ hành nghề và chính thức hóa chức danh kỹ sư vật lý y học cũng chưa được đề cập tới, nên chưa có kế hoạch triển khai” – GS An cho biết. Theo ông, đây đang là khâu yếu trong việc ứng dụng bức xạ hạt nhân vào y học. Để khắc phục, cần đảm bảo các cơ sở sử dụng bức xạ trong y tế – nhất là các cơ sở xạ trị – phải có đủ cán bộ vật lý đã được đào tạo chính quy để trở thành cán bộ vật lý y học chính thức, tiến tới có chứng chỉ hành nghề trong các ngành xạ trị, điện quang, y học hạt nhân.
 
Cùng quan điểm này, GS-TS Mai Trọng Khoa – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – đưa ra giải pháp xây dựng hệ thống đào tạo chính quy đại học và sau đại học dành cho các đối tượng: Kỹ sư vật lý, phóng xạ y học; kỹ thuật viên cho các lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân và đặc biệt là xạ trị.
 
GS Khoa cho rằng, để làm được điều này cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý là Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các cơ quan liên quan để xây dựng kế hoạch cụ thể về tổ chức, tài chính. Mục tiêu là thiết lập cơ sở đào tạo chính quy cán bộ chuyên môn về 3 lĩnh vực y học hạt nhân, xạ trị và điện quang, đặc biệt là các bác sĩ chuyên ngành, các kỹ sư vật lý y học, kỹ thuật viên, bảo dưỡng, kiểm tra và sửa chữa thiết bị.
 
Từ năm 2009, Việt Nam bắt đầu trang bị máy PET/CT tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội và TPHCM. Các kết quả nghiên cứu với PET/CT đã khẳng định, thiết bị này giúp chẩn đoán với độ nhạy và độ chính xác cao các loại ung thư nguyên phát, chẩn đoán phân biệt u lành và u ác tính, di căn, tái phát, giúp đánh giá kết quả điều trị, theo dõi sau điều trị. PET/CT làm thay đổi chiến thuật điều trị ở 30-40% số bệnh nhân ung thư, giúp dự báo sớm kết quả điều trị.
Tuấn Kiệt
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *