Sau năm 2020, điện hạt nhân phủ rộng chưa từng có

Toàn thế giới hiện có 440 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành. Dự báo đến năm 2020 sẽ có thêm 65 nhà máy đi vào hoạt động, khiến các cơ sở điện hạt nhân có độ phủ rộng chưa từng có.
 
Lựa chọn tương lai của nhiều nước
 
Theo Hiệp hội Hạt nhân thế giới, tính đến tháng 1/2016 có khoảng 440 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành ở 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng công suất hơn 380GWe. Năm 2014, các nhà máy này đã cung cấp lượng điện 2.411 tỷ kWh – chiếm hơn 11% tổng năng lượng điện trên thế giới.
 
 
Nhà máy điện hạt nhân Civaux tại Civaux, Pháp. Ảnh: Ansuclearcafe.org
Có hơn 60 nhà máy điện hạt nhân khác đang được xây dựng tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ – bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, đặc biệt là các nhà máy có công suất lớn ở Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Vương quốc Arập Saudi.
 
Mỹ có kế hoạch xây thêm 5 lò phản ứng mới bên cạnh 5 lò đang xây dựng và sẽ hoàn thành vào năm 2020. Hàn Quốc sẽ đưa thêm 4 lò phản ứng vào hoạt động năm 2018 và 8 lò nữa năm 2030. Ở Nga có 6 lò đang được xây dựng, dự kiến sẽ tăng sản lượng điện hạt nhân lên 50% vào năm 2030.
 
Trong khi đó, Vương quốc Arập Saudi đã trao gói thầu 20,4 tỷ USD cho các nhà thầu Hàn Quốc xây 4 lò phản ứng hạt nhân, hoàn thành vào năm 2020. Tại Trung Quốc, có tới 29 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động và hơn 20 nhà máy đang xây dựng. Dự kiến đến năm 2020, với tổng công suất điện hạt nhân tăng hơn 2 lần, Trung Quốc sẽ trở thành nước lớn thứ ba về điện hạt nhân. Tại Ấn Độ cũng có tới 21 nhà máy đang vận hành và 6 nhà máy đang xây dựng.
 
Các chuyên gia cho biết với đà này, sau năm 2020, điện hạt nhân sẽ đạt tới độ phủ rộng chưa từng có nhờ vào việc nhiều nước được chuyển giao công nghệ điện hạt nhân. Báo cáo năm 2014 của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, đến năm 2030 năng lượng điện hạt nhân sẽ tăng 60%; trong đó Trung Quốc tăng 46%, Hàn Quốc và Nga tăng 30% và Mỹ tăng 16%. Những con số cho thấy, điện hạt nhân vẫn là lựa chọn của nhiều nước để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và phát triển.
 
“Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức, năng lượng hạt nhân vẫn là lựa chọn tương lai của nhiều nước. Các nhà máy điện hạt nhân có thể đóng góp một hệ thống năng lượng tin cậy khi được trang bị nhiều công nghệ hiện đại. Đối với các nước đang phải nhập khẩu năng lượng, điện hạt nhân có thể làm giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài và hạn chế ảnh hưởng của biến động giá nhiên liệu” – báo cáo của IEA cho biết.
 
Nguồn năng lượng sạch
 
Lý giải triển vọng mở rộng của điện hạt nhân, các chuyên gia cho biết đây là nguồn năng lượng sạch, có vai trò quan trọng trong quá trình giảm hiệu ứng nhà kính và đảm bảo đủ nguồn cung khi dân số tăng cao.
 
Hiệp hội Năng lượng thế giới cho biết, nguồn năng lượng sản xuất điện trên toàn thế giới vẫn chủ yếu phụ thuộc vào than đá (chiếm 40,2% trong tổng số nguồn cung cấp điện vào năm 2012), khí đốt (chiếm 22,4%). Trong khi đó, theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, than đá và khí đốt dùng sản xuất điện lại là các chất chủ yếu gây hiệu ứng nhà kính, làm cho Trái đất nóng lên. Trong giai đoạn 1990-2012 tại Mỹ, tiêu dùng than đá chiếm 73% và tiêu dùng khí đốt chiếm 24% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính.
 
Việc mở rộng năng lượng hạt nhân sẽ góp phần giảm đáng kể lượng khí thải CO2 do sản xuất điện. Tại Mỹ vào năm 2014, các nhà máy điện hạt nhân đã cung cấp tới 60% tổng lượng điện mà không sản sinh ra khí thải CO2.
 
“Chúng ta không thể dùng tất cả các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Than đá là nguồn sinh ra gần một nửa lượng khí thải trên toàn cầu. Nếu chúng ta thay thế bằng các nhà máy điện với các lò phản ứng hạt nhân an toàn thì có thể giảm nhanh và rất nhiều khí thải gây ô nhiễm” – Steven Chu – cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ nói.
 
Việc phát triển điện hạt nhân còn góp phần đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu điện cho dân số trên thế giới, nhất là trong bối cảnh nhu cầu này ngày càng tăng cao do dân số liên tục tăng mạnh và đời sống cũng ngày càng được nâng lên.
 
Hiệp hội Năng lượng thế giới dự đoán từ năm 2011-2035, nhu cầu về điện sẽ tăng gấp đôi. Trong khi đó, hiện còn 2 tỷ người thiếu điện. Tới năm 2050, dân số toàn cầu chạm ngưỡng 9 tỷ người. Điều này chắc chắn còn tạo ra nhiều thách thức đối với việc cung cấp đủ năng lượng điện.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, điện hạt nhân sẽ là một trong những giải pháp quan trọng cho tương lai, vừa đảm bảo được nguồn cung điện, vừa đáp ứng được tiêu chí giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
 
“Trên bình diện toàn cầu, khó có thể giải quyết được các vấn đề mà thiếu năng lượng điện hạt nhân” – Jeffrey Sachs – thuộc Viện Nghiên cứu Trái đất của Đại học Columbia nói.
 
Minh Nhân (Tổng hợp)
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *