Hội khoa học: Một giải pháp cho sự phát triển của khoa học

 
 
Tôi thường bày tỏ quan điểm trên các trang báo rằng chúng ta, các nhà khoa học, nên quan tâm hơn tới sự phát triển và tiến bộ của sự nghiệp khoa học và nghiên cứu trong nước; chúng ta không thể chỉ trông chờ các cơ quan, Chính phủ, hay Đảng, … đưa ra mọi giải pháp cho tất cả mọi vấn đề; chúng ta nên cảm thấy có trách nhiệm chủ động đối diện với các khó khăn gặp phải trong công việc của mình.
Vậy thì làm như thế nào? Ở nhiều nước, các hội khoa học (learned societies) hay các viện hàn lâm đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề này. Họ tạo ra diễn đàn để thảo luận mọi vấn đề cần xem xét. Với tư cách độc lập đối với Nhà nước, họ thực sự tự do; đồng thời họ nhận được sự tôn trọng từ các cơ quan do luôn tiếp cận các vấn đề một cách có trách nhiệm. 
 
Thay vì bị coi như các tổ chức gắn với một số lĩnh vực đặc thù riêng, ví dụ như các thương hội, với mục đích duy nhất là bảo vệ quyền lợi cộng đồng của mình, hội khoa học có vai trò rộng hơn, thường được nhờ tư vấn hoặc tham gia xây dựng chính sách khoa học cho đất nước. Ở Việt Nam, các viện hàn lâm chưa thực sự có vai trò như vậy, đồng thời các viện sỹ cũng chưa được bổ nhiệm dựa theo đề cử của giới khoa học căn cứ trên thành tựu khoa học xuất sắc: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực chất vẫn là một cơ quan Nhà nước phục vụ cho nghiên cứu khoa học, không hề giống với các hội học giả trên thế giới như Hội Hoàng gia Anh, Viện Hàn lâm Quốc gia Mỹ cho các ngành khoa học hay Viện Hàn lâm Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có các hội khoa học, ví dụ như Hội Toán học Việt Nam hay Hội Vật lý Việt Nam. Sẽ khá thú vị nếu chúng ta tìm hiểu về vai trò, chức năng của chúng.
 
Một khác biệt giữa hội học giả so với các viện hàn lâm là thành viên của hội học giả có thể là nhà nghiên cứu, giảng viên cấp đại học hay phổ thông, các kỹ sư, và tất cả những ai quan tâm tới khoa học nói chung. Để trở thành thành viên bạn chỉ cần được một hoặc hai thành viên khác giới thiệu và hướng dẫn. Bạn cũng chỉ cần đóng một khoản phí để giúp chi trả cho sinh hoạt của hội. Những người điều hành hội được bầu bởi các thành viên, và thực hiện chức trách của mình một cách tình nguyện, không lương. Nhìn chung, các thành viên quốc tế cũng được tham gia, ví dụ Hội Vật lý Mỹ không lưu hồ sơ về quốc tịch các thành viên của mình, hội này có tới khoảng 12.500 thành viên sống bên ngoài nước Mỹ, chiếm tới 24% tổng số thành viên.
 
Các hội học giả thường hết sức quan tâm tới các vấn đề về đạo đức. Dù là các hội của Nhật Bản, Mỹ, hay châu Âu, chuẩn mực hạnh kiểm cho mọi nhà khoa học đều là một lý tưởng chung, rằng “sự tốt đẹp của khoa học dựa trên bản thân các nhà khoa học trong việc tạo ra các kết quả khoa học và chia sẻ chúng một cách cởi mở, trung thực, đảm bảo rằng khoa học phục vụ cho lợi ích xã hội, và một nền văn hóa nuôi dưỡng liêm chính học thuật”, hay nói cách khác “mọi người liên quan tới khoa học đều có trách nhiệm đảm bảo khoa học được thực hiện với ưu tiên về chất lượng, với sự trung thực, liêm chính, và chuẩn mực cao về đạo đức”.
 
Các hoạt động thông thường của các hội khoa học thường bao gồm việc tổ chức các hội nghị, xuất bản các tạp chí khoa học chuyên ngành và phổ thông, trao các giải thưởng và duy trì quan hệ gần gũi giữa các hội học giả với nhau, kể cả trong nước và quốc tế. Một số tổ chức quốc tế có vai trò rất quan trọng theo nghĩa này, như Liên đoàn Thiên văn Quốc tế, Liên đoàn Quốc tế Vật lý Cơ bản và Ứng dụng, hay Liên hiệp các hội Vật lý Châu Á Thái Bình Dương (AAPPS). Ở đây cũng cần nhắc đến Viện Hàn lâm Trẻ toàn cầu (Global Young Academy), một tổ chức hướng tới “trở thành tiếng nói nhà khoa học trẻ toàn thế giới” và liên kết các Viện Hàn lâm Khoa học Trẻ hiện có tại một số quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, và Philippines. Trao cơ hội lên tiếng cho các nhà khoa học trẻ là điều được quan tâm, chia sẻ rộng rãi giữa các hội khoa học ở nhiều quốc gia tiến bộ, và đã có nhiều nỗ lực nhằm nuôi dưỡng những sáng kiến thúc đẩy tiến trình chung này. Trong khi viết bài báo này, tôi được biết rằng Việt Nam cũng đang thai nghén Viện Hàn lâm Trẻ của Việt Nam (địa chỉ trực tuyến tại vietnamyoungacademy.org), một tổ chức đang trong quá trình xây dựng và đã có danh sách các thành viên, nhà tư vấn, và các bạn bè đối tác. Tuy nhiên, hiện nay tổ chức này chủ yếu vẫn nằm ở nước ngoài, và tôi còn chưa rõ cơ sở pháp lý nào để họ có thể đưa trụ sở về trong nước. Dù sao, điều đó họ cũng cho thấy đã đến lúc các hội khoa học chính thống trong nước cần thực sự lưu tâm.
***
Cần làm gì để giúp các hội học giả của Việt Nam đóng góp chủ động hơn cho sự phát triển khoa học của đất nước? Về nguyên tắc, họ chính là nơi nuôi dưỡng văn hóa trung thực, liêm chính học thuật và đạo đức, và là nơi thực hành quyền dân chủ và tự do ngôn luận, những điều không thể thiếu để giúp khoa học phát triển tiến bộ.
 
Về nguyên tắc, các hội khoa học chính là nơi nuôi dưỡng văn hóa trung thực, liêm chính học thuật và đạo đức, và là nơi thực hành quyền dân chủ và tự do ngôn luận, những điều không thể thiếu để giúp khoa học phát triển tiến bộ.
 
Hiện nay, các hội học giả trong nước đều nằm trong Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và được thành lập bởi Nhà nước. Về nguyên tắc, mối quan hệ như vậy không nên tạo trở ngại, mà ngược lại nên là điều thuận lợi [cho các hội khoa học]. Tuy nhiên, trên thực tế mối quan hệ này khiến các hội học giả trở nên thận trọng hơn mức cần thiết, với xu hướng né tránh làm những việc phải phiền hà xin phép bên trên. Một ví dụ như quy định các thành viên hội phải là công dân Việt Nam, có lẽ xuất phát từ thói quen thời chiến tranh khi những người nước ngoài thường bị nhìn với con mắt nghi ngại. Đến nay lẽ ra quy định này cũng nên thay đổi, nhưng điều ấy có lẽ là bất khả thi. Một ví dụ khác là sự thiếu vắng những tranh luận trong cộng đồng các nhà vật lý về tương lai lâu dài của nghiên cứu cơ bản trong nước. Ít năm trước, tôi trình bày trước Hội Vật lý Việt Nam một bài viết có quan điểm rằng các định hướng nghiên cứu của Việt Nam trên các lĩnh vực vật lý lượng tử, vật lý hạt nhân, và vật lý thiên văn, cần được thảo luận và xem xét điều chỉnh lại. Nhưng một đề xuất như vậy chẳng những bị coi là không đúng về mặt chính trị, mà có lẽ còn là sự cấm kỵ, và bài viết của tôi không được đưa vào kỷ yếu hội nghị.
 
Đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cung cách để khôi phục sự minh bạch, khuyến khích sự sáng tạo, và lắng nghe thế hệ trẻ để nhìn về phía trước với quyết tâm vì sự tiến bộ. Điều đó là vì quyền lợi của đất nước và khoa học, tất cả chúng ta đều là người thắng và chẳng có gì tổn hại từ một cuộc cải cách như vậy. Tất cả những gì chúng ta cần là một quyết tâm từ VUSTA, không chỉ cho phép sự độc lập hoàn toàn từ các hội thành viên, mà còn khuyến khích họ chủ động thể hiện một thái độ trách nhiệm và tích cực trong vai trò của mình là tiếng nói của cộng đồng khoa học mà họ là đại diện.
 
Với sự đổi mới như vậy, chúng ta có thể sẽ được thấy các hội như Hội Vật lý Việt Nam tổ chức các cuộc tranh luận mở về tương lai ngành của mình, thông tin tới các cộng đồng về các quyết sách của Chính phủ trong lĩnh vực khoa học (thay vì phải để các nhà khoa học Việt kiều làm việc đó như với chiến lược ngành vật lý gần đây), quan tâm tới mối quan hệ với các tổ chức quốc tế mới như Viện Hàn lâm Trẻ toàn cầu, v.v. và tạo cơ hội hình thành một diễn đàn thảo luận cởi mở về định hướng tương lai của ngành. Một đòi hỏi như vậy liệu có là quá nhiều? 
 
Pierre Darriulat

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *