Nhà khoa học hiến kế vụ cá chết ở miền Trung

Để xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung, cơ quan chức năng cần yêu cầu các đơn vị xả thải cung cấp danh sách hoá chất đã dùng để súc rửa đường ống và truy xét xem những chất ấy độc hại như thế nào.
 
Đó là ý kiến của GS Trần Văn Sung – nguyên Viện trưởng Viện Hóa học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam – về hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung.
 
 
Đại tá Nguyễn Việt Thái phát biểu tại cuộc họp do Bộ KH&CN tổ chức chiều 26/4. Ảnh: NH
Bộ Khoa học và Công nghệ vào cuộc
 
Ngày 26/4, Bộ KH&CN tổ chức cuộc họp đánh giá toàn diện các nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng cá chết ở miền Trung. Cuộc họp do Thứ trưởng Phạm Công Tạc chủ trì, có sự tham dự của các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan thuộc các bộ liên quan.
 
Cho đến nay, nghi vấn lớn nhất về nguyên nhân cá chết là có độc tố trong nước biển. Lý do là ở một số hộ nuôi trồng hải sản ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh), tôm, nghêu đã bị chết khi bơm nước biển vào. Đã có nhiều đơn vị nghiên cứu và các bộ, ngành, địa phương khảo sát, phân tích, đánh giá và đưa ra nhiều nhận định khác nhau.
 
Các viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) lấy mẫu cá chết trong lồng tại Hà Tĩnh, mẫu nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du tại Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên – Huế để phân tích độc tố… Các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thu thập và phân tích 400 mẫu cá chết, quan trắc môi trường, dòng hải lưu, quan trắc ảnh vệ tinh. Tuy nhiên đến thời điểm này, các kết quả cuối cùng vẫn chưa được công bố.
 
Bộ KH&CN cho biết sẽ điều phối hoạt động phân tích, đánh giá của các đơn vị nghiên cứu của các bộ, ngành nhằm thống nhất cơ sở khoa học, hỗ trợ kịp thời cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ NN&PTNT xác định nguyên nhân.
 
Quan trắc tự động không đo được chất độc
 
Trước hiện tượng cá chết hàng loạt, nhiều nghi vấn hướng tới quy trình xả thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa). Đại diện Formosa thừa nhận quy trình súc rửa đường ống có dùng axít HCl, NaOH pha loãng, nhưng khẳng định các chất thải đều được xử lý an toàn trước khi thải ra môi trường.
 
Trao đổi với Báo Khoa học và Phát triển, TS Nguyễn Khắc Kinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường, Bộ TN&MT – cho biết, về mặt nguyên tắc, nước thải trước khi xả phải được đưa vào bể chứa và quan trắc tự động các thông số, nếu đạt chuẩn mới thải ra môi trường. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta không thể biết quy trình này có được tuân thủ hay không vì phải báo cho doanh nghiệp trước khi vào kiểm tra.
 
“Hiện chúng ta chưa có hệ thống đo tự động, mà chỉ yêu cầu phía doanh nghiệp tự đo nhưng lại không nối mạng tự động để thông số này được truyền đến cơ quan quản lý. Mặt khác, thiết bị quan trắc tự động cũng chỉ đo được mấy thông số thông thường như độ pH, nhiệt độ, độ dẫn điện… Nếu muốn đo các chất hóa học khác thì phải lấy mẫu phân tích trong phòng thí nghiệm” – TS Kinh nói.
 
GS-TSKH Trần Văn Sung cho rằng hiện vẫn chưa biết rõ tất cả những hóa chất mà Formosa dùng rửa đường ống là chất gì, công thức ra sao. Tuy nhiên, đã là hóa chất thì về nguyên tắc trước khi thải ra môi trường phải được thu gom để xử lý.
 
“Trong mọi trường hợp, đã có chất độc thì không được phép thải ra môi trường mà phải thu gom lại để xử lý. Sau đó, phải lấy mẫu nước để phân tích xem có còn chất độc hay không rồi mới được thải ra môi trường” – GS Trần Văn Sung nói. Ông cho rằng cơ quan chức năng cần yêu cầu đơn vị xả thải cung cấp danh sách hoá chất đã dùng để súc rửa đường ống và truy xét xem những chất đó độc như thế nào, sau đó phân tích mẫu cá chết xem có những chất đó hay không?
 
Còn GS Nguyễn Tác An – nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang – nói: “Formosa súc đường ống, xả thải mà không báo cho Việt Nam là sai luật. Cá chết là vấn đề trước mắt. Còn về lâu dài, toàn bộ nền đáy của vùng biển miền Trung và hệ sinh thái như san hô, động vật đáy hoàn toàn bị phá huỷ, trong khi đó chính là cái nôi để sinh ra nguồn lợi và điều hoà môi trường biển miền Trung. Thêm nữa, đây là nơi bắt nguồn của dòng chảy, chảy xuyên biển miền Trung tới tận Nam Bộ nên điều này rất đáng quan ngại” – GS Nguyễn Tác An nói.
 
Theo thông báo kết luận từ cuộc họp kín chiều 27/4 của Bộ TN&MT, có 2 nhóm nguyên nhân có thể gây hiện tượng cá chết hàng loạt: Tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển; hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng thủy triều đỏ.
 
Đến thời điểm này, chưa có bằng chứng để kết luận sự liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt. Số liệu quan trắc và đánh giá của các cơ quan nghiên cứu khoa học chưa phát hiện các thông số vượt quy chuẩn trong môi trường biển.
 
Bích Ngọc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *