Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm nấm có ích trừ rầy nâu hại lúa và trừ sâu hại rau họ hoa thập tự tại Hải Phòng

“Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm nấm có ích Metarhizium (BIOFUN 1) trừ rầy nâu hại lúa và Beauveria (BIOFUN 2) trừ sâu hại rau họ hoa thập tự tại Hải Phòng” là dự án ứng dụng được Chi cục Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng) triển khai thành công từ tháng 12/2014 đến tháng 2/2016, trên cơ sở tiếp nhận quy trình công nghệ sản xuất 02 loại chế phẩm nấm có ích BIOFUN 1 và BIOFUN 2 từ Viện Bảo vệ Thực vật. Dự án được Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cấp thành phố đánh giá xếp loại xuất sắc chiều 28/4/2016 tại Sở KH&CN thành phố Hải Phòng.
 
 
Sản xuất chế phẩm nấm có ích BIOFUN 1 trừ rầy nâu hại lúa
Dự án đã đào tạo được 04 cán bộ kỹ thuật thuộc Chi cục Bảo vệ Thực vật phục vụ trực tiếp mô hình và 15 cán bộ kỹ thuật của Chi cục nắm được quy trình công nghệ sinh học sản xuất và sử dụng chế phẩm nấm có ích BIOFUN 1 trừ rầy nâu hại lúa và BIOFUN 2 trừ sâu hại rau họ hoa thập tự. 
 
Với việc tiếp nhận và áp dụng 05 quy trình kỹ thuật để sản xuất chế phẩm trong khoảng thời gian từ 20-28 ngày (kỹ thuật nhân sinh khối nguồn nấm sơ cấp có ích BIOFUN 1 và BIOFUN 2 (giống cấp 1); kỹ thuật nhân sinh khối chế phẩm sơ cấp nấm có ích BIOFUN 1 và BIOFUN 2 (giống cấp 2); kỹ thuật nhân sinh khối trên giá thể sản phẩm; kỹ thuật sấy chế phẩm và kỹ thuật kiểm nghiệm, đóng gói và bảo quản chế phẩm), dự án đã sản xuất thử nghiệm được 1.000 kg chế phẩm nấm BIOFUN 1 và BIOFUN 2, trong đó có 850 kg đạt tiêu chuẩn. Chế phẩm đạt tiêu chuẩn có mật độ bào từ đạt 2,97 – 3,26 x 109 trong 01 gram chế phẩm. Công suất sản xuất chế phẩm đạt 5 tấn/năm. Giá thành sản xuất chế phẩm nấm có ích tại Chi cục Bảo vệ Thực vật Hải Phòng là 89.585 đồng/kg, thấp hơn khoảng 20.000đ/kg so với giá bán tại Viện Bảo vệ thực vật.
 
Sau khi sản xuất thử nghiệm thành công 02 loại chế phẩm nấm có ích, dự án triển khai thực nghiệm tại 02 địa điểm: Chế phẩm BIOFUN 1 trừ rầy nâu hại lúa vụ Xuân 2015 thực hiện tại thôn Lai Thị, xã Tân Dân, huyện An Lão, diện tích 10 ha; Chế phẩm BIOFUN 2 trừ sâu hại rau họ hoa thập tự thực hiện tại xã An Hòa, huyện An Dương, diện tích 5ha. Kết quả thực nghiệm cho thấy, sử dụng chế phẩm BIOFUN 1 cho hiệu quả trừ rầy nâu hại lúa đạt 85% sau 14 ngày phun chế phẩm. So với ruộng của nông dân (ngoài vùng dự án), mật độ rầy nâu trong vùng dự án tại các thời kỳ sinh trưởng của lúa thấp hơn đáng kể, đặc biệt từ giai đoạn làm đòng đến khi chín và thu hoạch (giai đoạn làm đòng, có thời điểm, mật độ rầy nâu tại ruộng của nông dân là 1.567,5 con/m2, ruộng trong vùng dự án là 102 con/m2; giai đoạn chín – thu hoạch, mật độ rầy nâu tại ruộng của nông dân là 328,6 con/m2, ruộng trong vùng dự án là 41,2 con/m2). Thử nghiệm chế phẩm nấm có ích BIOFUN 2 trừ sâu hại rau họ hoa thập tự cho hiệu quả trừ sâu hại đạt từ 62,8 – 80,6% sau 7 – 10 ngày phun chế phẩm, tùy thuộc vào áp lực sâu trên đồng ruộng và đối tượng sâu hại. Sử dụng chế phẩm sin học trừ rầy nâu hại lúa và trừ sâu hại rau họ hoa thập tự trong vùng dự án cho hiệu quả kinh tế cao hơn ruộng của nông dân ngoài vùng dự án (sử dụng thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh) từ 827.700 – 977.800 đồng/ha.
 
Theo đánh giá của Hội đồng KH&CN, dự án cần được nhân rộng bởi những hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế, xã hội và môi trường.
 
Nguồn:  Sở KH&CN thành phố Hải Phòng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *