Một trong những nguyên nhân khiến nghiên cứu của các nhà khoa học xã hội (KHXH) ở Việt Nam do các tổ chức phi chính phủ (NGO) đặt hàng có chất lượng tốt là quy trình tuyển chọn các nhà nghiên cứu của các NGO đảm bảo tính chặt chẽ, nghiêm túc.
Cán bộ hỗ trợ nông dân Cần Thơ trong một
dự án của World Bank. Nguồn ảnh: http://www.
worldbank.org
Các NGO ở Việt Nam thường đặt hàng các nhà khoa học xã hội phân tích hiện trạng thực hiện dự án hỗ trợ cộng đồng hoặc phản biện các chính sách thông qua việc áp dụng các lý thuyết, phương pháp đánh giá cộng đồng. Điển hình như Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam thường tham vấn các nhà khoa học ba vòng trước khi áp dụng các chính sách hỗ trợ của họ vào thực tiễn.
Việc lấy ý kiến các nhà khoa học được tổ chức rất chặt chẽ, cùng với những tiêu chí cụ thể, chỉ những người có chuyên môn tốt, nhận định sắc sảo mới vượt qua các vòng xét tuyển.
Xét tuyển khắt khe
Trước khi xây dựng dự án, các tổ chức phi chính phủ sẽ đăng một thông báo tìm kiếm các ứng viên cho mỗi vị trí nghiên cứu, thường đưa lên trang ngocenter.org1 và website của chính tổ chức đó. Người thực hiện xét tuyển bao gồm đại diện của tổ chức phi chính phủ chủ trì dự án và các chuyên gia giàu kinh nghiệm đã từng hợp tác với tổ chức này. Các ứng viên đều phải đạt những tiêu chuẩn chặt chẽ do NGO đặt ra rất cụ thể trong TOR2, trong đó, ngoài các yêu cầu cơ bản về làm việc nhóm, thuyết trình, trình độ ngoại ngữ, các tiêu chí chủ yếu bao gồm kinh nghiệm chuyên môn về lĩnh vực nhà nghiên cứu tư vấn: 1/ Kinh nghiệm trong nghiên cứu chuyên ngành (ghi rõ số xuất bản phẩm trong nước, quốc tế); 2/ Kinh nghiệm làm việc ở những đề tài cụ thể có liên quan tới dự án cần tư vấn; 3/ Khả năng sử dụng các công cụ, phương pháp thực địa và đánh giá thực địa tốt. Trong đó, tiêu chí thứ hai yêu cầu nhà nghiên cứu phải trình bày rõ họ đã đánh giá hoặc tham gia tiến hành các dự án tương tự như thế nào. Ví dụ: những người đã đánh giá hoặc tiến hành các dự án về chăm sóc, bảo trợ trẻ em sẽ có ưu thế rất lớn khi tham gia tư vấn cho các tổ chức chuyên làm về trẻ em như Plan, Childfund, Save the childrend…
Các NGO không đặt tiêu chí học hàm học vị hoặc số năm làm việc lên hàng đầu mà quan trọng nhất là trải nghiệm của các nhà tư vấn. Vì vậy có thể nói đây là “mảnh đất” không chỉ của các nhà khoa học kỳ cựu, mà còn dành cho rất nhiều nghiên cứu viên trẻ, miễn là họ có những kinh nghiệm cụ thể cần thiết mà công việc đòi hỏi. Ngoài chuyên môn của từng ngành, kinh nghiệm nghiên cứu liên ngành cũng quan trọng không kém, bởi các dự án của NGO thường xuyên đòi hỏi nhiều chuyên gia tư vấn từ những chuyên ngành khác nhau cùng tham gia phân tích hiện trạng cộng đồng.
Nếu các ứng viên đáp ứng tiêu chí này, thông thường phải trải qua hai đến ba lần phỏng vấn đồng thời phải viết một kế hoạch tương đối cụ thể về quy trình đánh giá hoặc phản biện các dự án cộng đồng hoặc chính sách mà họ nhận nghiên cứu/ tư vấn. Bản kế hoạch này không chỉ cần thể hiện rõ ràng quan điểm tiếp cận (theo quan điểm của tổ chức hoặc trường phái lý thuyết nào), phương pháp khảo sát, đánh giá, các công cụ (định tính, định lượng) mà còn đòi hỏi những trích dẫn nguồn gốc các quan điểm tiếp cận, khung tham chiếu, chỉ tiêu, tài liệu tham khảo được trình bày hết sức rõ ràng để các nhà tuyển dụng có thể truy nguyên, xác minh được ứng viên đó có trung thực hay không.
Như vậy, mọi sự gian dối của ứng viên sẽ thể hiện ra ngay khi họ trả lời phỏng vấn hoặc chậm nhất là lúc bắt tay vào triển khai các công cụ khảo sát trên thực địa. Nếu hiểu biết non yếu về vấn đề đang tư vấn thì lập luận của nhà tư vấn sẽ thiếu cơ sở và dễ dàng bị bác bỏ.
Quy trình tham vấn
Trong quá trình tham vấn, các NGO thường không yêu cầu nhà khoa học phải phân tích theo “định hướng” của họ. Yêu cầu duy nhất họ đặt ra cho các nhà tư vấn là các phân tích phải “đúng với hiện trạng xã hội”, trên cơ sở áp dụng đúng các quan điểm tiếp cận, phương pháp và công cụ đã đưa ra. Trên hết, ý kiến tư vấn của các nhà khoa học phải có các phát hiện càng chi tiết, cụ thể càng tốt, và mọi nhận định đều phải kiểm chứng được, sau đó mới đưa ra các khuyến nghị cho NGO nên làm gì trong các dự án hỗ trợ cộng đồng hoặc khuyến nghị chính sách của Nhà nước.
Ở vòng tham vấn đầu tiên, thường là trước khi NGO tiến hành dự án, các nhà khoa học xã hội phải đánh giá hiện trạng xã hội và đưa ra các đặc điểm trọng yếu nhất cần phải hỗ trợ/ khắc phục trong cộng đồng. Các phát hiện này sẽ được lấy tham khảo để NGO xây dựng chính sách hỗ trợ và cũng lấy làm căn cứ để NGO xác định các hỗ trợ của mình giúp cộng đồng ở mức độ nào, có thay đổi so với trước khi hỗ trợ hay không.
Ở các vòng tham vấn sau, nhà khoa học phải chỉ rõ những tính hợp lý/bất hợp lý, các hiệu ứng không mong đợi của chính sách phát triển sau một thời gian áp dụng trong cộng đồng (kể cả chính sách hỗ trợ của NGO hoặc nhà nước, tùy theo đặt hàng của NGO). Một ví dụ cụ thể cho tư vấn của các nhà khoa học xã hội đối với NGO là về thay đổi chuẩn nghèo. Trước đây, một chuẩn nghèo duy nhất được áp dụng tại Việt Nam là chuẩn nghèo đơn chiều – chỉ đánh giá một hộ gia đình nghèo dựa trên thu nhập thường niên3. Nhưng sau nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học xã hội đã chỉ ra rằng việc chỉ áp dụng chuẩn nghèo đơn chiều sẽ gây bỏ sót đối tượng, dẫn đến nhận diện nghèo và phân loại thiếu chính xác.
Một điều không kém phần quan trọng là văn hoá tranh biện và tinh thần nghiêm túc đã bén sâu, phổ biến ở các NGO cũng như các nhà khoa học làm việc cho họ. Họ hiểu rằng, những phân tích hiện trạng xã hội, dù đúng hay sai không chỉ tổn hại tới danh dự khoa học của cá nhân hay tổ chức, mà cao hơn nữa, sẽ ảnh hưởng tới những người thụ hưởng dự án/chính sách hỗ trợ – đa phần là các nhóm yếu thế trong xã hội. Ở đây, rõ ràng ngòi bút của nhà khoa học được đảm bảo bằng trách nhiệm, danh dự chứ không có một hội đồng chính thống nào cả.
Công bố công khai toàn văn nghiên cứu
Sau khi nhận góp ý, nhóm tác giả sẽ báo cáo toàn văn trong một hội thảo có đại diện của rất nhiều bên liên quan gồm: NGO chủ trì nghiên cứu, các nhà chuyên môn (do cả NGO và nhà khoa học mời) cơ quan nhà nước nhận góp ý chính sách, đại diện của những người cung cấp thông tin cho nghiên cứu đó. Tại buổi hội thảo, cũng không có một hội đồng chính thức nào đánh giá toàn văn nghiên cứu, nhưng mọi phê phán đều phải được tiếp thu, những kết quả nghiên cứu nào còn chưa rõ ràng sẽ tiếp tục được đề nghị làm sáng tỏ. Trong trường hợp các tranh luận (cả về lý thuyết và thực tiễn) chưa ngã ngũ thì điều đó cũng phải được thể hiện trong bản cuối cùng của báo cáo nghiên cứu khi đưa ra xuất bản.
Có thể nói rằng xuất bản công khai toàn văn nghiên cứu chính là “tiêu chí trên mọi tiêu chí” mà NGO bắt buộc nhà khoa học phải tuân thủ. NGO cũng khuyến khích các nhà khoa học đưa công bố đó ra quốc tế để tiếp tục thảo luận. Đây cũng là xu hướng nhiều nhà nghiên cứu theo đuổi, vừa xuất bản toàn văn nghiên cứu ở trong nước, vừa gửi phát hiện nghiên cứu đó ra các hội thảo hoặc tạp chí quốc tế.
Tựu trung lại, các NGO không hề có các hội đồng xét duyệt rình rang, mà chỉ có các tiêu chí khoa học và tinh thần vị khoa học, vị cộng đồng. Trên tinh thần đó, các nhà khoa học tự có trách nhiệm bảo vệ, tôn trọng uy tín chuyên môn của mình cũng như của các đồng nghiệp bằng việc tranh luận, tranh luận đến cùng.
Ba vấn đề các NGO làm được rất tốt trong khi nhiều cơ quan chủ trì nghiên cứu KHXH chưa thể làm được:
– Tiêu chí xét tuyển thiết thực và khách quan: các NGO yêu cầu ứng viên phải có rất nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực nghiên cứu và điều đó thể hiện ra bằng các bài báo đã công bố, tóm tắt kết quả dự án đánh giá khác.
– Thảo luận công khai nhiều lần trong quá trình nghiên cứu: các NGO chủ trì nghiên cứu thường yêu cầu nhóm nghiên cứu trình bày từ ý tưởng cho đến kết quả sơ bộ trong các hội thảo chính thức và không chính thức để nhiều nhà khoa học từ nhiều đơn vị khác nhau cùng thảo luận.
– Mọi nghiên cứu do các NGO chủ trì đều được công khai trong các hội thảo báo cáo kết quả cuối cùng và xuất bản (in thành sách, gửi tạp chí quốc tế, hội thảo quốc tế) thu hút rất đông đảo giới chuyên môn từ các NGO khác cũng như các viện nghiên cứu và tạo thảo luận sôi nổi.
————-
1 http://www.ngocentre.org.vn: website cung cấp thông tin về hoạt động của các tổ chức phi chính phủ đặt tại Việt Nam.
2 Term of reference for an evaluation (điều khoản tham chiếu cho nghiên cứu đánh giá)
3 Các chuẩn nghèo do Bộ Lao động Thương binh Xã hội đưa ra trước 2015. Chuẩn nghèo đơn chiều 2011 – 2015 gần đây nhất, theo Quyết định số 9/2011/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ: Về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015.