Kiểm soát ô nhiễm và quản lý tài nguyên môi trường bằng công nghệ và giải pháp xanh

Ngày 01/11/2024, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Phòng Thí nghiệm trọng điểm Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Công nghệ xử lý chất thải bậc cao (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức Hội thảo “Công nghệ xanh trong kiểm soát ô nhiễm và quản lý tài nguyên môi trường”. Nhiều công nghệ, giải pháp “xanh” đã được chia sẻ và trao đổi tại Hội thảo nhằm góp phần xử lý ô nhiễm và quản lý tài nguyên môi trường.

Đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Công nghệ xanh là việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hướng tới mục đích bảo vệ môi trường, khắc phục những tác động tiêu cực mà con người gây ra với môi trường. Công nghệ xanh không chỉ mang lại những lợi ích đối với môi trường mà còn tạo dựng cho con người thói quen sống xanh. Công nghệ xanh đang dần trở thành xu hướng trong cuộc sống hiện đại, giúp môi trường trở lại trạng thái ban đầu (trước khi bị ô nhiễm). Đặc biệt, trong thời điểm cả môi trường đất, không khí, nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng thì công nghệ xanh lại càng được các quốc gia trên thế giới quan tâm.

Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam Phạm Thị Minh Nguyệt phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam Phạm Thị Minh Nguyệt cho biết, đây là dịp để các nhà khoa học trao đổi, thảo luận về các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực môi trường, nhằm tìm ra những giải pháp thiết thực và bền vững cho các vấn đề ô nhiễm môi trường và quản lý tài nguyên. Hội thảo là cơ hội để kết nối Tạp chí với cộng đồng các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ xanh. Phó Tổng biên tập mong muốn nhận được sự cộng tác chặt chẽ từ các đại biểu và các nhà khoa học thông qua những bài viết chất lượng cao, góp phần thúc đẩy công bố quốc tế trong lĩnh vực công nghệ xanh, kiểm soát ô nhiễm và quản lý tài nguyên môi trường.

Trong khuôn khổ của Hội thảo, Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam Phạm Thị Minh Nguyệt cũng đã giới thiệu về Tạp chí, trong đó nhấn mạnh những nội dung quan trọng mà Tạp chí đang thực hiện nhằm hướng tới chuẩn mực quốc tế. Nhiều nhà khoa học với tư cách là các tác giả đã có công bố trên Tạp chí đánh giá cao những kết quả đạt được, khẳng định uy tín và tin tưởng vào sự phát triển của Tạp chí trong tương lai.

PGS.TS Bùi Xuân Thành – Trưởng phòng Phòng Thí nghiệm trọng điểm Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Công nghệ xử lý chất thải bậc cao trình bày tham luận tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ và trao đổi nhiều công nghệ, giải pháp xanh nhằm xử lý ô nhiễm và quản lý tài nguyên môi trường như: Một số công nghệ xử lý sinh học mới nổi trong xử lý chất thải; Giáo dục STEAM khoa học trái đất và du lịch địa chất; Hấp thụ dinh dưỡng và loại bỏ nhôm bằng vi tảo nước ngọt: Công nghệ xử lý bằng thực vật tiềm năng; Ứng dụng chùm tia điện tử để phân hủy các hợp chất hữu cơ bền vững trong nước và nước thải; Ứng dụng than sinh học có nguồn gốc từ phụ phẩm nông nghiệp loại bỏ chất kháng sinh trong dung dịch nước; Công nghệ Anammox trong xử lý nước thải dòng chính; Ứng dụng hệ thống thực vật nổi cải thiện chất lượng nước kênh; Công nghệ tạo hạt vi tảo vi khuẩn trong xử lý nước thải.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

 

VH