Dựa vào mẫu đá trên Trái Đất và thiên thể khác, giới khoa học ước tính Trái Đất hình thành 10 triệu năm sau khi hệ Mặt Trời ra đời.
Nếu coi toàn bộ lịch sử Trái Đất là một ngày thì con người sẽ chỉ xuất hiện trong vài giây cuối trước nửa đêm. Vài trăm nghìn năm của loài người chỉ chiếm một phần tí hon trong lịch sử. Vậy hành tinh xanh bao nhiêu tuổi và làm cách nào để tìm ra con số này?
Trái Đất hình thành khoảng 4,54 tỷ năm trước, 10 triệu năm sau khi hệ Mặt Trời ra đời. Sau khi một đám mây khí khổng lồ sụp đổ để tạo ra Mặt Trời, những mảnh còn lại của đám mây này tạo nên các hành tinh.
Tuy nhiên, Trái Đất sơ khai hoàn toàn không giống với thế giới xanh tươi mà con người biết ngày nay. Khi mới chào đời, Trái Đất vẫn còn nóng chảy do những vụ va chạm đã tạo ra hành tinh. Những phần nặng hơn, như sắt, chìm xuống để tạo thành lõi, những phần nhẹ hơn nổi lên bề mặt. Cuối cùng, điều này khiến Trái Đất có nhiều lớp – lõi, lớp phủ, vỏ.
Khi hệ Mặt Trời yên tĩnh lại và ít thiên thạch đâm vào Trái Đất hơn, các đại dương hình thành và sự sống xuất hiện gần như ngay lập tức. “Con người không thể tồn tại trong phần lớn lịch sử Trái Đất, nhưng sinh vật sống dạng tế bào đã tồn tại liên tục khoảng 3,5 tỷ năm”, Mark Popinchalk, nhà thiên văn tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ và Đại học New York, cho biết. Nghiên cứu mới thậm chí cho thấy con số này có thể còn lớn hơn – 4,2 tỷ năm.
Giới khoa học thu thập thông tin về dòng thời gian nhờ vào mặt đất. Đá là chìa khóa để xác định tuổi Trái Đất và những điều kiện trên hành tinh trong quá khứ. Nhờ phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị phóng xạ, giới khoa học có thể sử dụng lượng những nguyên tố phóng xạ khác nhau để tính tuổi một tảng đá. “Tuy nhiên, đá trên Trái Đất có thể gây khó khăn vì hành tinh này có rất nhiều hoạt động, rất bận rộn. Núi lửa, phong hóa và các quá trình địa chất đồng nghĩa, việc tìm kiếm đá từ thời điểm Trái Đất hình thành vô cùng khó”, Popinchalk nói.
Mặt Trăng hình thành từ một vụ va chạm với Trái Đất khi còn non trẻ, nhưng không có những mảng kiến tạo rắc rối như Trái Đất. Các mẫu đá Mặt Trăng từ thời Apollo đã giúp tinh chỉnh ước tính tuổi của hành tinh xanh, và mẫu vật mới từ những nhiệm vụ như Hằng Nga 5 đang bổ sung cho sự hiểu biết của nhân loại về lịch sử Mặt Trăng.
Với các hành tinh lân cận như sao Hỏa, con người có thể phóng robot đến thu thập đá rồi mang về phân tích để xác định niên đại. Nhưng làm thế nào để xác định tuổi của những hành tinh xa xôi quay quanh các ngôi sao khác?
“Cách tốt nhất để tìm hiểu về hành tinh quanh các ngôi sao khác là nghiên cứu chính ngôi sao đó. Tôi đoán tuổi của một ngôi sao bằng cách nhìn vào tốc độ quay. Sao trẻ quay nhanh trong khi sao già sẽ quay chậm. Nếu đo được tốc độ quay của một ngôi sao có hành tinh kèm theo, tôi có thể ước tính tuổi sao và sử dụng một con số tương tự cho hành tinh”, Popinchalk giải thích.
Khi khám phá những thế giới mới ngoài hệ Mặt Trời, con người cũng đang tìm hiểu chi tiết hơn về cách các hành tinh hình thành. Điều này sẽ giúp con người hiểu rõ hơn về lịch sử của chính Trái Đất.
Thu Thảo (Theo Live Science)