Lào Cai: Ứng dụng công nghệ tiên tiến phát triển bền vững đàn trâu theo chuỗi giá trị

Nhằm khai thác thế mạnh và tiềm năng của tỉnh Lào Cai trong việc chăn nuôi trâu thịt để đáp ứng nhu cầu về tiêu dùng, du lịch và tiến tới xuất khẩu; Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt dự án “Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sinh sản và trồng, chế biến cây thức ăn chăn nuôi nhằm phát triển bền vững đàn trâu hàng hoá theo chuỗi giá trị tại tỉnh Lào Cai”. Dự án có mục tiêu là xây dựng mô hình trang trại và nông hộ chăn nuôi trâu sinh sản, trâu thịt đạt hiệu quả kinh tế cao hơn chăn nuôi truyền thống của địa phương. Sau gần ba năm triển khai, dự án đã mang lại những hiệu quả tích cực về kinh tế, xã hội.

Mô hình chăn nuôi trâu của dự án tại xã Lùng Phình, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Tiềm năng phát triển chăn nuôi trâu tại Lào Cai

Lào Cai nằm giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc của Việt Nam, có vị trí địa lý thuận lợi trong phát triển kinh tế – xã hội. Khí hậu của tỉnh thuận lợi cho phát triển nông/lâm nghiệp, thuỷ sản, đặc biệt là nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nghề chăn nuôi đại gia súc và gia cầm phát triển tương đối ổn định tại Lào Cai, với hơn 87.000 hộ chăn nuôi, chủ yếu là các giống bản địa. Sản xuất chăn nuôi đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, một phần xuất bán ra ngoài tỉnh.

Trâu Việt Nam (trâu nội) hay còn gọi là trâu địa phương ở nước ta có tầm vóc nhỏ, khối lượng thấp, sinh trưởng chậm và thành thục muộn. Trâu đực trưởng thành nặng 400-450kg/con và 300-350kg/con đối với trâu cái. Tỷ lệ thịt xẻ 43-45%, thịt dai. Vì vậy, trâu Murrah được nhập về Việt Nam để lai với trâu địa phương, nhằm cải tạo đàn trâu theo hướng sữa, thịt. Trâu lai không chỉ cho năng suất thịt cao hơn 15-25% so với trâu nội, thành thục sớm mà còn mắn đẻ hơn, tỷ lệ sữa cao hơn. Thịt trâu lai cũng được nhiều người ưa chuộng vì giá trị dinh dưỡng cao; chất lượng thịt ngon, mềm, có hương vị đặc trưng và tính mát.

Giống như nhiều tỉnh miền núi khác, trâu ở Lào Cai chủ yếu vẫn chăn thả quảng canh, việc sản xuất, chế biến và dự trữ thức ăn cho trâu, nhất là trong những tháng mùa đông còn rất hạn chế. Người dân chưa được tiếp cận với công nghệ trồng và ủ chua cỏ VA06 để nuôi trâu. Chăn nuôi trâu ở Lào Cai chủ yếu trong nông hộ phân tán, nhỏ lẻ, thiếu kỹ thuật, suy thoái, giống biểu hiện rõ rệt, thiếu thức ăn, sinh sản kém, chết rét và dịch bệnh nhiều. Vì vậy, công tác lai trâu Murrah với trâu nội được tỉnh quan tâm đẩy mạnh, nhằm phát huy ưu thế lai, tạo con lai có năng suất, chất lượng thịt cao hơn so với trâu địa phương; đồng thời khai thác thế mạnh và tiềm năng sẵn có, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và du lịch, tiến tới xuất khẩu.

Phát triển bền vững đàn trâu theo chuỗi giá trị

Thực hiện định hướng nêu trên, dự án “Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sinh sản và trồng, chế biến cây thức ăn chăn nuôi nhằm phát triển bền vững đàn trâu hàng hoá theo chuỗi giá trị tại tỉnh Lào Cai” thuộc Chương trình: “ Hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2016-2025 đã được triển khai. Đơn vị chủ trì dự án là Công ty TNHH MTV Xây lắp & Thương mại Nguyễn Vũ. Sau hơn 3 năm thực hiện, dự án đã xây dựng được mô hình mẫu để nhân rộng tại Lào Cai và các tỉnh lân cận; tăng tỷ lệ trâu lai, tăng khả năng sinh trưởng, sinh sản và tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi trâu; góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung.

Vùng triển khai dự án là huyện Bắc Hà có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế mậu biên trong giao lưu với Vân Nam, Trung Quốc. Đồng thời, nơi đây có diện tích đất nông nghiệp gần 34.000 ha, phù hợp để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc. Mô hình trang trại của dự án được xây dựng tại xã Lùng Phình với chuồng trại, đồng cỏ… đã có sẵn, được xây dựng từ năm 2015 (đủ điều kiện chăn nuôi 200 con trâu).

Dự án đã tuyển chọn 100 trâu cái sinh sản đủ tiêu chuẩn để đưa vào phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo tinh trâu Murrah đông lạnh dạng cọng rạ. Ngoài ra, dự án cũng xây dựng mô hình nuôi trâu lai lấy thịt tập trung. 115 nghé lai F1 sinh ra và được nuôi đến 14-15 tháng tuổi, sau đó đưa vào vỗ béo trong 3-4 tháng. Khẩu phần vỗ béo dựa trên nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương. Nghé và trâu lai không chỉ được cân/đo khối lượng, theo dõi khả năng sinh trưởng thường xuyên, mà chuồng trại cũng được cải tạo và đầu tư đủ vật tư và trang thiết bị phục vụ chăm sóc đàn trâu. Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng mô hình nuôi trâu lai lấy thịt phân tán. Trâu lai F1 được phân tán tới 25 hộ dân trong các xã: Lùng Phình, Cốc Lầu, Tà Chải, La Hối của huyện Bắc Hà. Từ đó, đánh giá được những phẩm chất của giống lai khi chăn nuôi tại các hộ dân. Mô hình trồng cây thức ăn gia súc ở trại tập trung hay trong các hộ dân cũng được quy hoạch và chú trọng, với các giống cỏ năng suất cao như VA06, Mullato, Hamill.

Sau hơn 3 năm triển khai, dự án đã đạt được những kết quả cụ thể, gắn với từng mục tiêu đã đề ra. 6 quy trình công nghệ đã được chuyển giao cho 10 cán bộ kỹ thuật. Dự án đã tập huấn cho 100 nông dân về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc và quản lý theo dõi phối giống cho trâu cái sinh sản; kỹ thuật chăn nuôi nghé con; giúp nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán chăn nuôi trâu của người dân. Nghé lai F1 có khối lượng sơ sinh tăng hơn 20-25% so với nghé nội. 115 nghé lai F1 được vỗ béo thành công, đảm bảo tăng trọng tuyệt đối (đạt 600g/con/ngày). Tổng khối lượng thịt hơi sản xuất của mô hình đạt 6.210 kg, tỷ lệ thịt xẻ cao hơn 5-6%, cải thiện đáng kể hiệu quả của chăn nuôi trâu thịt. Thương hiệu thịt trâu lai Bắc Hà, Lào Cai được xây dựng, đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có chiến lược thị trường dựa trên tiềm năng phát triển và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt trâu trong và ngoài tỉnh.

Dự án đã trồng thành công 5 ha cỏ (giống VA06, Mulat và Hamill), năng suất xanh đạt 200-250 tấn/ha/năm, phục vụ nuôi 100 trâu cái sinh sản và vỗ béo 115 trâu lai F1 tại trang trại; cung cấp 150 tấn cỏ VA06 ủ dự trữ cho vụ đông, có chất lượng tốt, không bị thối, mốc, đảm bảo chất lượng.

Kết quả thành công của dự án cũng đã khẳng định tính hiệu quả về môi trường. Qua việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình chăn nuôi trâu có hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng qua hệ thống biogas tại mô hình tập trung và xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi thành phân hữu cơ tại các hộ chăn nuôi mô hình phân tán. Việc sử dụng công nghệ ủ chua thức ăn xanh dự trữ cho trâu đã tận dụng được phế phụ phẩm trong nông nghiệp cho chăn nuôi trâu. Từ đó giúp giảm việc đốt, bỏ các sản phẩm này trong trồng trọt, giảm bớt việc ô nhiễn môi trường do việc đốt các nguyên liệu này trong sản xuất nông nghiệp.

Thành công của dự án đã giúp chuỗi giá trị sản xuất trâu hàng hoá tại Lào Cai được xây dựng từ khâu chọn giống – chăm sóc nuôi dưỡng – vỗ béo – giết thịt – đóng gói sản phẩm – bán cho người tiêu dùng. Từ đó, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống cho người nuôi trâu; giúp chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung.

PT