Nhóm nhà khoa học Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long chế tạo máy gieo hạt, làm đất, năng suất 0,1 – 0,2 ha mỗi giờ, thay thế 10 lao động.
Nghiên cứu do thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng bộ môn cơ điện và công nghệ sau thu hoạch, Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long và các cộng sự thực hiện.
Theo nhóm nghiên cứu, vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện hầu như chưa có máy gieo trồng đậu, bắp trên nền đất liếp hoặc đất lúa.Trong khi đó, diện tích canh tác cây màu ngày càng ít do chi phí lao động thủ công tăng cao và bị thiếu hụt. Nhóm nghiên cứu muốn tạo ra mẫu máy mới phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất màu trên nền đất lúa tại Hậu Giang và các tỉnh Tây Nam Bộ. “Sản phẩm hướng tới ứng dụng sản xuất nông nghiệp 4.0 toàn diện”, thạc sĩ Hoàng nói.
Máy gieo hạt đa năng có 6 bộ phận chính gồm động cơ diesel công suất 16 HP, liên kết khung máy, hệ thống điều khiển thủy lực, cụm gieo hạt, khung liên kết cụm gieo, bộ phận phay đất.
Để chế tạo, nhóm tận dụng các bộ phận có sẵn như động cơ diesel, hộp số máy công nông, hệ thống di chuyển. Phần còn lại, nhóm tập trung thiết kế bộ phận xới theo hàng, bộ phận gieo, lấp hạt và bộ phận nâng hạ.
Máy có chức năng thực hiện đồng thời việc phay đất, rạch hàng, gieo hạt, lấp đất với khoảng cách hàng gieo và loại hạt giống thay đổi linh hoạt. Ưu điểm là máy khá gọn, gieo nhiều loại hạt, trong đó kể cả hạt bắp đã qua ngâm ủ.
Trước khi gieo người dùng xác định loại hạt giống, khoảng cách hàng, mật độ để chọn đĩa gieo thích hợp và điều chỉnh khoảng cách hàng phay, độ sâu phay. Khi máy làm việc, hệ dao sẽ phay đất tạo luống. Đĩa có nhiệm vụ rạch hàng tạo rãnh giữa luống phay. Đĩa gieo hạt nhận chuyển động từ bánh gieo thông qua bộ truyền động làm cho đĩa quay và các lỗ gieo nhận hạt từ khoang phụ dịch chuyển đến vị trí nhả hạt. Tại đây có cơ cấu nhấn hạt cưỡng bức tránh hạt kẹt trong lỗ đĩa. Hạt sẽ trượt trong ống gieo và rơi vào giữa hai đĩa rạch hàng và được cần gạt kéo đất phủ lên hạt.
Máy có bề rộng làm việc 1,2 m, số hàng gieo từ 2 – 4 hàng với khoảng cách điều chỉnh 300 – 800 mm, độ sâu phay 30 – 100 mm. Máy có tỷ lệ sót (hốc không hạt) dưới 3%, có thể điều chỉnh được số lượng hạt mỗi hốc và khoảng cách hốc theo loại đĩa gieo. Năng suất khi gieo bắp là 0,1 ha mỗi giờ (2 hàng gieo) và với đậu nành là 0,2 ha mỗi giờ (4 hàng gieo). Máy thay thế được cho khoảng 10 lao động.
Về kỹ năng điều khiển máy, theo thạc sĩ Hoàng, người sử dụng không cần lo lắng vì máy vận hành đơn giản, dễ thao tác. Nông dân từng sử dụng các máy làm đất, sau khi hướng dẫn sử dụng sẽ dễ dàng vận hành. Tuy nhiên, người dùng cần được đào tạo cơ bản về cơ khí để khâu bảo trì, bảo dưỡng vận hành được hiệu quả, đúng kỹ thuật và an toàn. Máy gieo hạt đa năng có giá dự kiến khoảng 80 triệu đồng.
Theo thạc sĩ Hoàng, ưu điểm máy gieo được nhiều loại hạt, mật độ, khoảng cách thay đổi nhưng việc này khiến người sử dụng phải mất thời gian chỉnh tổ hợp lưỡi phay, mũi rạch hàng, cửa nhả lấp hạt trên một đường thẳng. Để giảm tải trọng máy, nhóm không thiết kế ghế ngồi lái cho người vận hành. Họ phải đi bộ sau máy.
Máy đã thử nghiệm thực tế ở Cần Thơ và Hậu Giang. Tuy nhiên ông Hoàng cho rằng “cần phải triển khai nhiều vụ để có đánh giá ở nhiều tỉnh khác”.
Kỹ sư Lê Trung Hiếu, Giám đốc công ty công nghệ Ewater đánh giá, sản phẩm của nhóm đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp tại miền Tây Nam Bộ giúp tăng năng suất, giải phóng sức lao động. Tuy nhiên, theo ông cơ chế chạy bằng bánh lốp của máy chỉ có thể hoạt động trên đất khô. Ở các khu vực ẩm ướt, sình lầy, máy khó hoạt động. Ông Hiếu góp ý tác giả thay đổi một số cơ cấu như bánh lồng để phù hợp hoạt động trên đất ướt . Ngoài ra, máy cần được thiết kế gọn nhẹ hơn để có tính cơ động, dễ vận chuyển.
Hà An