La Nina có thể xuất hiện vào tháng 7 và giúp giảm nhiệt

Các nhà khoa học cho biết hiện tượng La Nina đang xuất hiện làm hạ nhiệt độ bề mặt đại dương, 60% sẽ xảy ra trong giai đoạn tháng 7 – 9.

 

La Nina có thể gây mưa lớn ở một số nơi và hạn hán ở những nơi khác. Ảnh: Somchai Poomlard

La Nina có thể gây mưa lớn ở một số nơi và hạn hán ở những nơi khác. Ảnh: Somchai Poomlard

 

Sự trở lại của hiện tượng thời tiết La Nina mát mẻ trong năm nay sẽ giúp nhiệt độ giảm phần nào sau nhiều tháng nhiệt độ toàn cầu lập kỷ lục. Tác động này có thể sẽ được cảm nhận trong vài tháng tới vì kiểu thời tiết El Nino ấm áp – vốn thúc đẩy sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và thời tiết cực đoan trên thế giới từ giữa năm 2023 – đang có dấu hiệu kết thúc, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc (UN) cho biết hôm 3/6.

Trong khi El Nino làm nóng bề mặt đại dương thì La Nina là sự hạ nhiệt độ bề mặt đại dương ở những vùng rộng lớn thuộc khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương, đi kèm với gió, mưa và những thay đổi về áp suất khí quyển. Ở nhiều nơi, đặc biệt là vùng nhiệt đới, La Nina mang tới những tác động khí hậu trái ngược với El Nino, dẫn đến hạn hán ở một số nơi và gây mưa lớn ở những nơi khác.

WMO cho biết, có 60% khả năng La Nina xảy ra trong giai đoạn tháng 7 – 9 và 70% trong tháng 8 – 11. Khả năng El Nino tái phát triển rất thấp.

Phần lớn lượng nhiệt dư thừa của Trái Đất do biến đổi khí hậu được lưu trữ trong các đại dương. Tại Mỹ, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) đã tính đến La Nina khi dự báo mùa bão Đại Tây Dương năm nay. Theo NOAA, dự kiến có 4 – 7 cơn bão mạnh ở Đại Tây Dương từ tháng 6 đến tháng 11.

“Mùa bão Đại Tây Dương sắp tới dự kiến sôi động hơn bình thường do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm nhiệt độ đại dương ấm gần đạt mức kỷ lục ở Đại Tây Dương, sự phát triển của hiện tượng La Nina ở Thái Bình Dương, gió mậu dịch Đại Tây Dương và gió đứt giảm”, NOAA cho biết.

Tuy nhiên, WMO cảnh báo, nhiệt độ toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trong dài hạn do tình trạng biến đổi khí hậu mà con người gây ra. Điều này sẽ khiến những hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên tồi tệ hơn và làm đảo lộn các mô hình nhiệt độ và lượng mưa theo mùa.

Mỗi tháng kể từ tháng 6/2023, khi El Nino diễn ra, đều thiết lập kỷ lục nhiệt độ cao mới. Tính đến nay, 2023 cũng là năm ấm nhất từng ghi nhận trên toàn cầu.
“Sự kết thúc của El Nino không đồng nghĩa tình trạng biến đổi khí hậu trong dài hạn sẽ dừng lại, vì hành tinh sẽ tiếp tục ấm lên do khí nhà kính giữ nhiệt. Nhiệt độ mặt nước biển cao vẫn có vai trò quan trọng trong những tháng tới”, Ko Barrett, phó tổng thư ký tại WMO, nhấn mạnh.

9 năm qua là những năm ấm nhất từng ghi nhận, kể cả khi có ảnh hưởng hạ nhiệt của đợt La Nina kéo dài từ năm 2020 đến đầu năm 2023, theo WMO. El Nino mới nhất, đạt đỉnh điểm vào tháng 12 năm ngoái, là một trong 5 đợt mạnh nhất lịch sử.

Thu Thảo (Theo AFP)