Theo GS Robert H. Lustig (Viện Chính sách Y tế tại Đại học California, Mỹ), y học hiện đại đang gặp phải 5 vấn đề lớn.
Các học giả và bác sĩ lâm sàng tin tưởng việc đầu tư vào các lĩnh vực và công nghệ “y học cá nhân hóa” giúp “chữa lành” những người được chẩn đoán mắc ung thư, tim mạch hoặc các bệnh thần kinh cuối cùng sẽ mang lại thành tựu lâu dài tốt đẹp hơn, so với việc tập trung vào những biện pháp sức khỏe cộng đồng. Nhưng kết luận này sai lầm cả ở cấp độ cá nhân lẫn xã hội. Sau đây là lý do vì sao chúng ta cần phải suy xét lại về y học hiện đại, với ví dụ là bệnh ung thư.
Đầu tiên, bạn hãy tự hỏi điều nào sau đây tốt hơn. Mắc ung thư rồi được chữa khỏi hay không hề mắc ung thư? Thực tế chỉ có 33% số người điều trị ung thư thực sự được “chữa khỏi” (Với thời gian sống không bệnh là 5 năm) và chỉ 7% trong số họ không mắc thêm loại ung thư nào khác trong vòng 20 năm sau đó.
Thứ hai, những thành tựu hiếm hoi trong việc chữa trị ung thư luôn đi kèm một hóa đơn đắt đỏ. Trong hai thập kỷ qua, Viện Ung thư Quốc gia Mỹ đã chi hơn 60 tỷ USD cho việc nghiên cứu và điều trị căn bệnh này. Hầu hết thuốc điều trị ung thư được tung ra trong 10 năm qua đều có giá cao hơn 100.000 đô/bệnh nhân cho một năm điều trị. Thậm chí liệu pháp tế bào CAR-T cá nhân hóa mới ra đời còn có giá dao động từ 300.000-500.000 đô một năm.
Thứ ba, những người ủng hộ y học hiện đại thường lập luận rằng việc đầu tư cho mục tiêu chữa khỏi các bệnh mạn tính (như ung thư) sẽ cho phép chúng ta hiểu rõ hơn nguyên nhân gây bệnh. Nhưng tôi không chắc về điều đó lắm.
Trong trường hợp bệnh ung thư, vẫn tồn tại một cuộc tranh cãi trên quy mô lớn về việc ung thư là do di truyền hay môi trường gây ra, hay nó thực ra là bệnh về chuyển hóa, một phụ phẩm của quá trình chuyển hóa thức ăn thành năng lượng?
Tương tự, đối với bệnh Alzheimer, trong thập kỷ qua, chúng ta đã “đốt” 2,3 tỷ USD mỗi năm cho nghiên cứu và hơn 100 loại thuốc đã được đưa vào thử nghiệm rồi loại bỏ, thế nhưng khả năng tìm ra nguyên nhân gây Alzheimer vẫn chỉ xấp xỉ khả năng đưa được loài người lên Hỏa tinh.
Thứ tư, người ta mong đợi rằng các thế hệ sau sẽ được hưởng lợi từ những tiến bộ lớn trong y học hiện đại, tức là họ kỳ vọng rằng chúng ta sẽ có năng lực ngày càng tốt hơn trong việc chẩn đoán và thấu hiểu hơn nguyên nhân đằng sau một số bệnh mạn tính. Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn trái ngược. Hiện chỉ có 13% số người Mỹ ở độ tuổi 54 cho biết mình có sức khỏe tuyệt hảo, trong khi giai đoạn từ năm 1988-1994, con số này là 32%. Mặc dù hiện nay số người thực sự tử vong do nhồi máu cơ tim có vẻ ít đi, nhưng số người từng bị nhồi máu cơ tim ít nhất một lần lại gia tăng.
Thứ năm, hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta đứng trước nguy cơ vỡ trận vì số người cần được điều trị tăng lên và tỷ lệ dân số mắc cùng lúc nhiều bệnh mạn tính cũng tăng lên, do việc điều trị thường không chữa dứt điểm bệnh (nghĩa là không giải quyết được căn bệnh đó vĩnh viễn). Vào năm 1980, 30% dân số Mỹ, tức khoảng 52 triệu người, mắc ít nhất một bệnh mạn tính. Ngày nay, con số đó là 60%, tương ứng 145 triệu người. Trung bình những bệnh nhân này sẽ phải bỏ ra số tiền nhiều gấp 14 lần cho các dịch vụ y tế so với những người không mắc bệnh mạn tính.
Nguồn: Znews.vn