Ngày 24/04/2024, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và trí tuệ nhân tạo (AI): Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã chính thức ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và AI (ABAII) với 7 thành viên Hội đồng quản lý, 14 thành viên Hội đồng Khoa học là các tiến sỹ, kỹ sư đầu ngành trong lĩnh vực blockchain và AI, cùng 5 thành viên Ban điều hành ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Ra mắt Viện Công nghệ Blockchain và trí tuệ nhân tạo (ABAII).
Theo đó, ABAII đặt mục tiêu đào tạo, phổ cập blockchain và AI cho 1 triệu lượt người đến năm 2030, trong đó bao gồm 100.000 sinh viên tại 30 trường đại học trên cả nước, thông qua nhiều hoạt động cụ thể như: hội thảo, đào tạo, hackathon, ideathon, chương trình Unitour 2024 dành cho đối tượng sinh viên hay dự án pháp luật online để hỗ trợ tư vấn pháp lý cho đông đảo cộng đồng.
Ông Đào Trung Thành – Phó Viện trưởng ABAII cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 04/2024, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, Unitour đã được tổ chức thành công tại 5 trường đại học: Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh (Hutech), Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH), Đại học Kiến trúc Đà Nẵng (DAU), Học viện Ngân hàng (BA) và Học viện Công Bưu chính Viễn thông (PTIT), mang đến nhiều kiến thức bổ ích về ứng dụng của Blockchain và AI theo nhu cầu và mong muốn của từng trường như nền kinh tế số và tài chính, phân tích dữ liệu ngân hàng, cơ hội nghề nghiệp…
Tại Lễ ra mắt, ABAII đã trao tặng cho đại diện các Trường Đại học Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, mỗi trường 50 suất học bổng để từng bước lan toả và thúc đẩy tiến trình phổ cập blockchain – AI.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang phát biểu tại buổi Lễ.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Hoàng Giang đánh giá cao những nỗ lực của ABAII nói riêng và VBA nói chung trong tiến trình tham vấn chính sách và thúc đẩy phổ cập, đào tạo blockchain và AI. Theo Thứ trưởng, giáo dục là yếu tố nền tảng, then chốt, quyết định sự phát triển của một quốc gia. Bởi vậy, việc lựa chọn mục tiêu phổ cập blockchain và AI là một quyết định đúng đắn, nhân văn, thể hiện rõ mục tiêu hướng tới phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ chương trình, VBA tổ chức Tọa đàm Thị trường vốn cho start up và các doanh nghiệp ngành công nghệ Blockchain và AI lần thứ 4 nhằm góp ý xây dựng khung pháp lý quản lý Tài sản ảo (VA) và Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP).
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm.
Ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch Thường trực VBA cho biết: việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho VA-VASP phù hợp tại thời điểm này là một bài toán khó vì các chính sách này sẽ cần sự phối hợp của nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Hiện tại Kế hoạch Hành động quốc gia ban hành theo QĐ 194/QĐ-TTg đang tập trung vào 2 ưu tiên là Chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố (AML/CFT) và Tiêu chuẩn VASP. Trong khi đó, 2 tiêu chuẩn còn lại để tạo thành một hành lang pháp lý hoàn chỉnh là Thuế tài sản mã hoá và Bảo vệ người dùng hiện chưa được quan tâm thích đáng.
Trong khuôn khổ chương trình, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã công bố chương trình hành động hỗ trợ gọi vốn Switch Up Accelerator mùa thứ 2 cho các startup công nghệ và chia sẻ bức tranh toàn cảnh ngành blockchain Việt Nam và toàn cầu trước và sau thời điểm Bitcoin halving lần thứ 4.
Nguồn: Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam