Với bộ xử lý thần kinh và các công cụ như Copilot, những mẫu AI PC (máy tính với trí tuệ nhân tạo) được dự đoán sẽ thúc đẩy thị trường trong tương lai gần.
Sau thời kỳ tăng trưởng mạnh do đại dịch bùng phát, thị trường máy tính cá nhân (PC) ghi nhận mức suy giảm chưa từng có (14%) trong năm 2023.
Dù vậy, trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là AI tạo sinh, các mẫu AI PC (PC tích hợp AI) được dự đoán là động lực tăng trưởng chính của thị trường máy tính trong những năm tiếp theo.
Hiểu về AI PC
Về cơ bản, AI PC là máy tính với chip xử lý tích hợp NPU (bộ xử lý thần kinh), được tối ưu để chạy trực tiếp tác vụ AI liên quan đến mô hình dự đoán, máy học hay AI tạo sinh.
Theo Trusted Reviews, các hãng như Intel, AMD, Qualcomm đã trình làng chip xử lý tích hợp NPU cho AI PC, đơn cử như Intel Core Ultra, AMD Ryzen 8000 hay Snapdragon X Elite.
Thực chất, bộ xử lý trung tâm (CPU) và bộ xử lý đồ họa (GPU) có thể chạy một số ứng dụng AI nhất định. Tuy nhiên, NPU được thiết kế để giảm tải khối lượng cho CPU và GPU, sử dụng ít năng lượng hơn để kéo dài thời lượng pin trên laptop.
Chip xử lý với NPU đã xuất hiện trên nhiều sản phẩm như Asus Zenbook 14 OLED, ROG Zephyrus G14, Dell Latitude 7350 Detachable. HP cũng vừa trình làng loạt model tích hợp NPU như EliteBook 1000 Series G11, Spectre x360 hay Envy x360.
“Sau triển lãm CES vào đầu năm, các hãng sẽ giới thiệu thêm nhiều AI PC, dù chúng tôi cho rằng chu kỳ nâng cấp chính sẽ dành cho nửa cuối năm 2024.
Chúng tôi dự đoán doanh số laptop AI sẽ đạt 50% thị phần trong năm 2025, với ít nhất một NPU hoặc bộ tăng tốc AI được sử dụng, bên cạnh các thành phần chính như CPU và GPU”, đại diện hãng phân tích Counterpoint Research cho biết.
Tin tưởng vào AI PC
Các công ty máy tính và nhà phân tích đều tin tưởng vào tiềm năng của AI PC. Trong sự kiện vào tháng 9/2023, CEO Intel Pat Gelsinger nhấn mạnh AI PC “là khoảnh khắc lớn trong chặng đường đổi mới công nghệ”.
Trong một sự kiện vào đầu tháng 4, ông Nguyễn Minh Đức, Tổng giám đốc HP Việt Nam, tin rằng AI giúp mọi người phát huy tiềm năng dưới vai trò nhà sáng tạo nội dung, nhà đổi mới hay doanh nhân.
“AI góp phần giúp hiện thực hóa các ý tưởng, và hỗ trợ nâng cao năng suất làm việc nhờ khả năng xử lý các tác vụ phức tạp, cho phép người dùng nâng tầm đổi mới, sáng tạo”, ông Đức nhấn mạnh.
Theo Intel, AI PC với NPU có thể tăng tốc độ chỉnh sửa ảnh hoặc video. Trong khi đó, nhiều hãng máy tính dùng AI quảng bá Windows Studio Effects (hiệu ứng khi dùng webcam), các công nghệ độc quyền như Asus AiSense (tăng chất lượng camera) hay HP Smart Sense (tối ưu hiệu năng, thời lượng pin trên laptop).
Với khả năng tận dụng dữ liệu cá nhân để “học hỏi”, John Kalvin, Phó chủ tịch Intel, cho rằng AI PC có thể tạo ra làn sóng cá nhân hóa mới cho người dùng.
“Tôi cho rằng AI sẽ mang ‘tính cá nhân’ trở lại PC, từ đó điều chỉnh trải nghiệm người dùng theo cách chúng ta chưa từng nhìn thấy trước đây”, Kalvin cho biết.
Vẫn còn chặng đường dài
Bên cạnh phần cứng, AI PC cũng gắn với phần mềm. Một trong các sản phẩm AI dễ tiếp cận hiện nay là Microsoft Copilot.
Không chỉ triển khai trên Windows 11, nhiều laptop mới ra mắt còn tích hợp phím riêng để kích hoạt công cụ này.
Hiện tại, Copilot hoạt động dựa trên đám mây nên không hưởng lợi từ NPU. Tuy nhiên, Microsoft đã công bố kế hoạch áp dụng kiến trúc mới, giúp trải nghiệm “Windows AI” kết hợp CPU, GPU, NPU và đám mây.
Dù ChatGPT, Copilot hay các công cụ AI tạo sinh đang khá phổ biến, các hãng máy tính lại chọn giải pháp thận trọng khi tích hợp dịch vụ lên sản phẩm, đặc biệt là thiết bị dành cho người dùng phổ thông.
“Tôi nghĩ cơ hội là rất lớn. Nhiều người cho rằng AI PC sẽ nhanh chóng áp dụng rộng rãi, nhưng tôi không nghĩ vậy. Tôi cho rằng sẽ mất một chút thời gian để người dùng hiểu các trường hợp sử dụng cụ thể”, Christoph Schell, Giám đốc Thương mại Intel, chia sẻ với CRN.
Trả lời Tri thức – Znews, ông Vinay Awasthi, Giám đốc Điều hành HP khu vực châu Á, nhấn mạnh lộ trình mang AI lên toàn bộ PC phụ thuộc vào thời gian, mục đích của từng dòng sản phẩm.
“Hiện nay, nếu nói về AI trên máy tính, mọi người sẽ nghĩ ngay đến Copilot của Microsoft. Tuy nhiên, AI còn có thể áp dụng lên nhiều ứng dụng khác, ví dụ như quản lý quan hệ khách hàng, quản trị nguồn lực doanh nghiệp hay sáng tạo nội dung.
Điều đó đồng nghĩa một thiết bị có thể tích hợp nút Copilot, nhưng với dòng sản phẩm phục vụ mục đích khác, sẽ yêu cầu tính năng AI khác”, ông Awasthi cho biết.
Một vấn đề khác liên quan đến độ ổn định của Internet. Không phải nơi nào cũng có tốc độ mạng ổn định và quyền truy cập thoải mái. Do đó, các mẫu laptop có thể sử dụng AI không cần Internet là mục tiêu mà các hãng hướng đến.
“Những tính năng AI tạo sinh, có thể hoạt động trên máy mà không cần liên tục kết nối Internet là mục tiêu của AI PC. Tuy nhiên, mọi thứ vẫn cần sự trợ giúp của đám mây, và chế độ AI ‘lai’ sẽ là xu hướng chủ đạo”, nhà phân tích Joyce Chen của DigiTimes nhận định.
Nguồn: Znews.vn