Hotline 1: 0898275999
Lời nói đầu Cuốn sách “Đo cao vô tuyến các thiết bị bay – Mô hình, phương pháp, thuật toán và ứng dụng”, trình bày các mô hình điện động lực học tán xạ sóng điện từ từ các bề mặt ngẫu nhiên trên cơ sở lý thuyết điện động lực học tán xạ sóng
Lời nói đầu Cuốn sách “Đo cao vô tuyến các thiết bị bay - Mô hình, phương pháp, thuật toán và ứng dụng”, trình bày các mô hình điện động lực học tán xạ sóng điện từ từ các bề mặt ngẫu nhiên trên cơ sở lý thuyết điện động lực học tán xạ sóng điện từ; các đặc trưng thống kê (hàm tương quan và đặc trưng năng lượng) của các tín hiệu phản xạ thu được trên cơ sở lý thuyết phổ - tương quan tín hiệu phản xạ, từ đó nghiên cứu, khảo sát và xây dựng các phương pháp, thuật toán đo cao vô tuyến với phát xạ liên tục điều tần và phát xạ xung phục vụ cho việc tính toán, thiết kế các máy ĐCVT trên các thiết bị bay (máy bay, tên lửa có cánh, vệ tinh,...). Các máy ĐCVT phát xạ điều tần và xung được ứng dụng rộng rãi trong radar, dẫn đường vô tuyến, điều khiển vô tuyến các tên lửa có cánh, thiết bị bay không người lái, các thiết bị bay vũ trụ, viễn thám,... Các vấn đề được trình bày trong cuốn sách dựa trên các nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm về tán xạ sóng điện từ từ các bề mặt gồ ghề thống kê trải rộng (BGTR) (mặt đất, mặt biển, bề mặt rừng,...), từ đó được xây dựng các mô hình, phương pháp và thuật toán để tính toán, thiết kế các máy ĐCVT, cho phép đo chính xác và tin cậy độ cao bay của máy bay và máy bay trực thăng (ở chế độ treo trên không), cũng như thích ứng độ cao bay tối thiểu (vài mét cho tới 0) các tên lửa có cánh đối hải trên bề mặt biển có sóng nhằm tàng hình các tên lửa có cánh trước các radar trên tàu. Cuốn sách dùng cho các cán bộ nghiên cứu khoa học, các chuyên gia và công trình sư thiết kế chế tạo các thiết bị bay, các kỹ sư quân sự và hàng không dân dụng khai thác sử dụng các máy ĐCVT trên các thiết bị bay, các nghiên cứu sinh và sinh viên để nghiên cứu, tính toán thiết kế và ứng dụng các máy ĐCVT trên các thiết bị bay, cũng như trong ĐCVT vũ trụ (viễn thám). Cuốn sách gồm 2 tập: Tập 1 gồm 2 chương (chương 1 và 2) trình bày mô hình ĐCVT; Tập 2 gồm 2 chương (chương 3 và 4) trình bày các phương pháp và thuật toán và 3 phụ lục về ứng dụng ĐCVT. Chương 1: trình bày cơ sở lý thuyết điện động lực học tán xạ sóng điện từ từ các bề mặt ngẫu nhiên, cách tiếp cận điện động lực học cho phép nghiên cứu hiệu quả các vấn đề của lý thuyết tán xạ sóng điện từ từ các bề mặt ngẫu nhiên, phương pháp mặt phẳng tiếp tuyến (MTP), phương pháp nhiễu loạn nhỏ (MSP), mô hình tán xạ 2 bề mặt (mô hình các gồ ghề 2 thành phần), từ đó xây dựng các mô hình điện động học tán xạ sóng điện từ từ các bề mặt ngẫu nhiên, các đặc trưng của trường điện từ tán xạ ngược ngẫu nhiên, mật độ xác suất và các mômen phân bố trường tán xạ ngẫu nhiên, mật độ xác suất và các mômen phân bố đường bao và pha của trường phản xạ và các đặc trưng tán xạ của các BGTR. Chương 2: trình bày phân tích phổ - tương quan tín hiệu phản xạ từ BGTR, các hàm tương quan và đặc trưng năng lượng của tín hiệu phản xạ; trên cơ sở các hàm tương quan tần số - thời gian của quá trình không dừng được khảo sát các tương quan tần số tương hỗ và thời gian của các tín hiệu phản xạ băng rộng và đa tần số; phân tích các đặc trưng năng lượng của các tín hiệu phản xạ và đưa ra các ví dụ về tính toán tiềm năng của máy ĐCVT. Chương 3: trình bày nguyên lý và phương pháp ĐCVT với phát xạ liên tục điều tần; sơ đồ cấu trúc và giản đồ thời gian tín hiệu máy ĐCVT với phát xạ liên tục điều tần; tính toán thiết kế và phân tích các đặc trưng và sai số của các máy ĐCVT điều tần tuyến tính đo các độ cao khác nhau trên thiết bị bay. Chương 4: trình bày nguyên lý và phương pháp ĐCVT với phát xạ xung; sơ đồ cấu trúc và giản đồ thời gian tín hiệu máy ĐCVT với phát xạ xung; phương pháp xử lý tín hiệu thu được trong các máy ĐCVT phát xạ xung; các đặc trưng phân biệt và chệch ước lượng trong máy ĐCVT xung; tính toán thiết kế và phân tích các đặc trưng và sai số của các máy ĐCVT phát xạ xung đo các độ cao lớn trên thiết bị bay. Phụ lục 1. Tính năng chiến - kỹ thuật và sơ đồ cấu trúc, chức năng một số máy ĐCVT với phát xạ liên tục điều tần và phát xạ xung. Phụ lục 2. ĐCVT trên máy bay và tên lửa có cánh (Phương pháp đo cao theo bề mặt địa hình (TERCOM)). Công nghệ TERCOM (Terrain contour matching) bám địa hình cho các tên lửa có cánh. Phụ lục 3. ĐCVT trên các thiết bị bay vũ trụ (vệ tinh). Cuốn sách lần đầu tiên ra mắt bạn đọc nên không tránh khỏi thiếu sót. Tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần tái bản sau. Tác giả TSKH. Nguyễn Quang Thường
Cuốn “Hàm Lyapunov & Ổn định chuyển động các thiết bị bay” trình bày cơ sở lý thuyết hàm Lyapunov và ổn định chuyển động theo Lyapunov; mô hình toán học chuyển động không gian các thiết bị bay, tính ổn định và tính điều khiển được của các thiết bị bay; một số bài toán về ổn định chuyển động thiết bị bay; phương pháp tổng hợp thống kê hàm Lyapunov về ổn định chuyển động các thiết bị bay. Đặc điểm của cuốn sách này là trên cơ sở các kết quả của lý thuyết ổn định chuyển động theo Lyapunov cho các hệ cơ học và hệ động lực, thông qua mô hình chuyển động các thiết bị bay, cũng như tính ổn định và tính điều khiển được của chúng đi sâu nghiên cứu một số bài toán về ổn định chuyển động các thiết bị bay theo Lyapunov và trình bày phương pháp tổng hợp thống kê hàm Lyapunov về ổn định chuyển động các thiết bị bay. Cuốn sách dùng cho các cán bộ nghiên cứu khoa học, các chuyên gia và công trình sư thiết kế chế tạo các thiết bị bay, các nghiên cứu sinh và sinh viên để nghiên cứu và ứng dụng phương pháp hàm Lyapunov về ổn định chuyển động, cũng như phương pháp tổng hợp thống kê hàm Lyapunov về ổn định chuyển động các thiết bị bay. Cuốn sách gồm bốn chương và bốn phụ lục: Chương 1: Trình bày cơ sở lý thuyết hàm Lyapunov và ổn định chuyển động theo Lyapunov, dựa trên các khái niệm của lý thuyết ổn định, các định lý ổn định và không ổn định theo Lyapunov, phương pháp hàm Lyapunov và một số phương pháp xây dựng các hàm Lyapunov. Chương 2: Trình bày mô hình toán học chuyển động không gian các thiết bị bay, tính ổn định và tính điều khiển được của các thiết bị bay thông qua việc xem xét các hệ tọa độ và chuyển đổi các hệ tọa độ cho các thiết bị bay, các lực và moment tác động lên thiết bị bay, hình chiếu của chúng lên trục các hệ tọa độ để xây dựng các phương trình vi phân chuyển động không gian của các thiết bị bay. Theo mô hình toán học chuyển động không gian của các thiết bị bay được phân tích phương trình chuyển động của thiết bị bay với tốc độ tuyến tính không đổi và biến đổi, các phương trình chuyển động quay của thiết bị bay trong không gian, cũng như tính ổn định và tính điều khiển được của các thiết bị bay. Chương 3: Trình bày một số bài toán về ổn định chuyển động các thiết bị bay trên cơ sở áp dụng hàm Lyapunov và ổn định theo Lyapunov, có tính đến các tiêu chuẩn ổn định các thiết bị bay khi chuyển động với động áp không đổi và biến đổi, trong trường hợp dạng phức của moment khí động và dạng độc lập của các hệ số moment khí động. Các bài toán điển hình này là cơ sở cho tính toán các tham số thiết kế về ổn định chuyển động khi thiết kế chế tạo các thiết bị bay. Chương 4: Trình bày phương pháp tổng hợp thống kê hàm Lyapunov về ổn định chuyển động các thiết bị bay thông qua xây dựng thống kê hàm Lyapunov trong các bài toán đảm bảo ổn định chuyển động các thiết bị bay; tổng hợp thống kê các điều kiện ổn định chuyển động các thiết bị bay; giải bài toán mô hình đánh giá ổn định chuyển động các thiết bị bay (các thuật toán và giải bằng số bài toán tổng hợp thống kê hàm Lyapunov về ổn định chuyển động các thiết bị bay). Phụ lục №1. Các phương trình động học và động hình học chuyển động tâm khối của thiết bị bay. Phụ lục №2. Các tham số tính toán đặc trưng ổn định chuyển động của thiết bị bay. Phụ lục №3. Sơ đồ điều khiển chuyển động dọc và chuyển động bên thiết bị bay. Phụ lục №4. Сác hệ thống ổn định và điều khiển autonom đối tượng điều khiển. Cuốn sách lần đầu tiên ra mắt bạn đọc nên không tránh khỏi thiếu xót. Tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần tái bản sau. TSKH. Nguyễn Quang Thường