LỜI NÓI ĐẦU
Hàn là lĩnh vực khoa học công nghệ rộng lớn.Những thành tựu khoa học mà ngày nay chúng ta đang được thừa hưởng về thiết bị, vật liệu, công nghệ, tính toán thiết kế… là kết quả của việc nghiên cứu bản chất của nó từ đầu thế kỷ trước của các nhà khoa học trên thế giới thuộc nhiều lĩnh vực khoa học kỹ thuật khác nhau, như toán học, vật lý, hóa học, luyện kim, điện, điện tử, cơ khí…
Việc xây dựng một cuốn sách bao hàm nhiều lĩnh vực khoa học như vậy đòi hỏi sự đóng góp nhiều sức lực của các nhà khoa học liên quan.Công việc đó đã được tiến hành và có thể nói, đã được hoàn thiện trong những thập niên 60, 70 của thế kỉ trước ở những nước tiên tiến, như Liên Xô (cũ), Pháp, Mỹ, Nhật… Nếu như ngày này biên soạn cuốn sách để sử dụng rộng rãi ở nước ta, trên cơ sở những thành tựu đạt được của loài người, thì đó là việc làm có ích và bức xúc, bởi vì cho tới nay vẫn rất khan hiếm các tài liệu tham khảo cho các cán bộ giảng dạy, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề và học nghề, và những cán bộ quan tâm đến lĩnh vực hàn.
Quả là “ôm đồm” khi công việc lớn lao như vậy lại do một người hay vài người đảm nhận! Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tập hợp một lực lượng cán bộ khoa học đông đảo từ các lĩnh vực khoa học – công nghệ liên quan trọng giai đoạn hiện nay gặp phải khó khăn.Vì vậy, bằng mọi khả năng của mình, tác giả biên soạn cuốn“Sổ tay công nghệ hàn”, với hy vọng góp phần mình vào việc giải quyết tình trạng thiếu tài liệu tham khảo hiện nay.
Cuốn sách được biên soạn chủ yếu dựa trên những cuốn sách xuất bản của các nước SNG, Mỹ, Pháp, Anh, Ba Lan và một số cuốn của tác giả và của các bạn đồng nghiệp.
Xin giới thiệu với bạn đọc cuốn sách và mong muốn nhận được những lời đánh giá, phê bình với lòng biết ơn sâu sắc.Những đóng góp phê bình xin gửi về Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, 70 Trần Hưng Đạo – Hà Nội.
Tác giả cuốn sách xin tỏ lời cảm ơn chân thành đối với TS.Hoàng Văn Châu, TS. Nguyễn Cảnh Thanh, ThS. Nguyễn Huy Tiến và các bạn đồng nghiệp đã giúp đỡ nhiệt tình trong việc sưu tầm và cung cấp nhiều tài liệu quý giá để biên soạn cuốn sách này, không có họ chắc chắn cuốn sách không thể ra đời sớm và có kết quả mong đợi.
Hà Nội, tháng 9 năm 2006
TS. Nguyễn Văn Thông
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Hướng dẫn sử dụng sổ tay
Các ký hiệu chủ yếu
Phần I. Cơ sở lý thuyết của các quá trình hàn
Phần II. Vật liệu cơ bản, vật liệu hàn và cắt
Phần III. Các phương pháp hàn và cắt kim loại
Phần phụ lục
Tài liệu tham khảo