Giáo trình Kỹ thuật điều khiển tự động trong lĩnh vực cơ điện tử giới thiệu về lý thuyết và ứng dụng của kỹ thuật điều khiển tự động trong lĩnh vực cơ điện tử. Nội dung của giáo trình nhấn mạnh chủ đề phân tích và thiết kế hệ thống phản hồi để áp dụng vào các hệ thống ứng dụng thực tế. Lý thuyết về kỹ thuật điều khiển tự động hệ thống rất cần thiết cho sinh viên hệ đại học và cao đẳng thuộc các ngành học: cơ khí, điện, điện tử, hàng không vũ trụ, kỹ thuật y sinh, hoặc kỹ thuật hóa học. Các ứng dụng về hệ thống điều khiển được tìm thấy trong một loạt các ngành này từ máy bay và tàu vũ trụ đến robot và các hệ thống điều khiển quá trình…
Đây là giáo trình giảng dạy chính cho môn học “Cơ sở điều khiển tự động hệ cơ điện tử”, “Cơ sở điều khiển tự động hệ cơ khí” và là một trong những tài liệu tham khảo chính của đồ án liên môn: “Kỹ thuật điều khiển quá trình và tự động hóa” của chương trình đào tạo đại học ngành Kỹ thuật cơ điện tử, khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng. Ngoài ra, sách có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên khối ngành kỹ thuật: Điều khiển tự động, Sản xuất tự động, Công nghệ thông tin, Hệ thống nhúng… và cung cấp khả năng tự củng cố kiến thức cho bạn đọc đã từng được đào tạo qua các ngành kỹ thuật có ứng dụng đến lý thuyết kỹ thuật điều khiển tự động. Một số kiến thức liên quan như các phép biến đổi Laplace, thiết lập phương trình vi phân và một phần về đại số tuyến tính cũng được giới thiệu cô đọng trong nội dung giáo trình.
Giáo trình này được chia làm 8 chương với cấu trúc như sau:
– Chương 1 giới thiệu tổng quan về lịch sử hình thành của lĩnh vực hệ thống điều khiển tự động và một số các ứng dụng thực tế của nó trong thực tiễn sản xuất.
– Chương 2 trình bày về các cách mô tả của hệ thống điều khiển bao gồm thiết lập quan hệ vật lý, các phương trình vi phân, phương pháp biểu diễn hàm truyền của một số thành phần vật lý cơ, điện cơ bản.
– Chương 3 trình bày cụ thể các phương pháp biểu diễn hàm truyền theo phương pháp sơ đồ khối, Graph tín hiệu và phương trình biến trạng thái.