Nhân lực là một trong những nguồn lực quan trọng quyết định sự thành
công hay thất bại của một tổ chức. Trong bất cứ hoạt động hay mục tiêu
phấn đấu của mọi tổ chức, con người đều là trung tâm của sự phát triển. Cho
dù một tổ chức có khả năng về tài chính, có tiềm lực về khoa học công nghệ
nhưng nếu không có con người để sử dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, không
có con người để quản lý và sử dụng nguồn tài chính, thì tổ chức cũng không
thể tồn tại và phát triển bền vững được. Chúng ta đang ở giai đoạn phát triển
mạnh mẽ của công nghệ, thiết bị tiên tiến và hiện đại, nhưng con người vẫn
là yếu tố quan trọng nhất và không thể thay thế được. Làm thế nào để quản
trị nhân lực có hiệu quả là một trong những vấn đề khó khăn và thử thách
lớn nhất đối với các tổ chức trong nền kinh tế chuyển đổi. Sự biến động
mạnh mẽ của môi trường và yêu cầu phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao
của nhân viên trong nền kinh tế thị trường đã và đang tạo ra sức ép lớn, đòi
hỏi các nhà quản trị phải có các quan điểm mới, lĩnh hội được những
phương pháp mới và nắm vững được những kiến thức, kỹ năng về quản trị
con người.
Quản trị nhân lực là một nghệ thuật có từ lâu đời gắn với thuật trị nước,
thuật dùng người. Khoa học quản trị nhân lực cũng đã trải qua chặng đường
dài với nhiều trường phái, nhiều lý thuyết được đúc kết từ thực tiễn. Đến
nay, quản trị nhân lực đã được thừa nhận có tầm quan trọng chiến lược
trong mỗi tổ chức. Quản trị nhân lực là một khoa học nhưng cũng là một
lĩnh vực nghệ thuật quản trị phức tạp và đa dạng nhất. Am hiểu và thực hành
có hiệu quả các hoạt động quản trị nhân lực luôn là thách thức đối với các
nhà lãnh đạo có tâm và có tầm.
Nội dung giáo trình được thiết kế thành 5 chương, chương đầu tiên giới
thiệu khái quát về quản trị nhân lực, chương 2 giới thiệu về môi trường quản
trị nhân lực, ba chương tiếp theo tương ứng với ba chức năng quan trọng
nhất của quản trị nhân lực trong các tổ chức.
Chương 1. Tổng quan về quản trị nhân lực – nghiên cứu về khái niệm,
mục tiêu và tầm quan trọng của quản trị nhân lực; Các chức năng của quản
trị nhân lực; Các triết lý quản trị nhân lực; Tính khoa học và nghệ thuật của
quản trị nhân lực; Đánh giá kết quả hoạt động quản trị nhân lực; Sự phân
chia trách nhiệm quản trị nhân lực trong tổ chức.
Chương 2. Môi trường quản trị nhân lực – nghiên cứu về các nội dung:
Khái quát về môi trường quản trị nhân lực; Môi trường quản trị nhân lực
bên ngoài; Môi trường quản trị nhân lực bên trong; Quản trị nhân lực trong
các cuộc Cách mạng công nghiệp.
Chương 3. Thu hút nhân lực – nghiên cứu về các nội dung: Thiết kế và
phân tích công việc; Kế hoạch hóa nguồn nhân lực; Tuyển dụng nhân lực.
Chương 4. Đào tạo và phát triển nhân lực – nghiên cứu về các nội dung:
Khái quát về đào tạo và phát triển nhân lực; Các phương pháp đào tạo và
phát triển nhân lực; Tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo và phát triển
nhân lực; Định hướng và phát triển nghề nghiệp.
Chương 5. Duy trì nhân lực – nghiên cứu về các nội dung: Đánh giá
thực hiện công việc; Tạo động lực trong lao động; Đãi ngộ nhân lực; Quan
hệ lao động.