Lập trình hướng đối tượng (OOP) có ảnh hưởng rất lớn không chỉ trong ngành công nghiệp phần mềm, mà còn trong ngành khoa học máy tính hiện tại và tương lai. Có bốn yếu tố mà mọi người quan tâm tới lập trình hướng đối tượng (OOP):
– Nhu cầu thực tiễn: Trong thế giới công nghệ thông tin ngày nay, việc hiểu biết và sử dụng thành thạo lập trình hướng đối tượng (OOP) không chỉ là một lợi thế, mà còn là một yêu cầu cơ bản. Hầu hết các phần mềm nổi tiếng như hệ điều hành Windows, macOS, các trình duyệt web như Chrome, Firefox và ngay cả các ứng dụng phổ biến như Microsoft Office và Adobe Photoshop đều được xây dựng trên nền tảng OOP. Sự phổ biến của OOP trong phát triển phần mềm hiện đại chứng minh rằng, việc nắm vững kỹ thuật này sẽ mở ra cánh cửa nghề nghiệp rộng lớn và cơ hội phát triển sự nghiệp trong nhiều lĩnh vực công nghệ.
– Công nghệ: Lập trình hướng đối tượng (OOP) mang lại nhiều lợi ích công nghệ quan trọng như tính tái sử dụng, kế thừa, đóng gói, trừu tượng và đa hình. Những tính năng này giúp tạo ra mã nguồn dễ bảo trì và mở rộng, giảm thiểu thời gian phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ví dụ, tính kế thừa trong OOP cho phép nhà phát triển tận dụng các thành tựu sẵn có, như thư viện GUI trong Java hoặc .NET Framework, để nhanh chóng và hiệu quả tạo ra các ứng dụng mới.
– Tư duy giải quyết vấn đề: Học OOP không chỉ là việc tiếp cận các công nghệ lập trình mà còn là việc phát triển kỹ năng tư duy phân tích và\ giải quyết vấn đề. Những kỹ năng này quan trọng không chỉ trong lập trình mà còn trong nhiều khía cạnh khác của công nghệ kỹ thuật ngày nay. OOP đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về cách tổ chức và quản lý dữ liệu, cũng như khả năng phân loại vấn đề và tìm ra giải pháp hiệu quả, từ đó nâng cao khả năng giải quyết vấn đề phức tạp trong thực tế.
Tính sáng tạo và linh hoạt: OOP không chỉ viết mã, nó còn là sự sáng tạo và đổi mới. Cấu trúc linh hoạt của OOP cho phép bạn thực hiện ý tưởng của mình một cách sáng tạo, từ việc phát triển các ứng dụng di động cho đến việc xây dựng các trò chơi phức tạp. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và học máy, đang thay đổi thế giới, cũng chủ yếu dựa trên nguyên lý OOP. Điều này chứng tỏ rằng việc hiểu biết về OOP sẽ giúp bạn không chỉ theo kịp mà còn dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghệ.
Nhóm tác giả xây dựng cuốn giáo trình này để cung cấp thêm cách nhìn và tạo sự đa dạng trong việc học chủ đề lập trình hướng đối tượng.
Trong cuốn sách này, mỗi chương đều có định dạng như sau:
1. Nội dung bài học: trình bày phần kiến thức chính của bài học. Phần này trình bày các ví dụ và minh họa trên ngôn ngữ C# (vì tính phổ biến của ngôn ngữ).
2. Case-study: đưa ra ứng dụng hoàn chỉnh phù hợp với nội dung của bài học.
3. Tóm tắt: tổng kết nội dung bài học.
4. Trắc nghiệm: bao gồm những câu hỏi giúp người học ôn tập và củng cố kiến thức của bài học.
5. Bài tập: bao gồm những bài tập được lựa chọn giúp người học rèn luyện các kỹ năng (tư duy giải quyết vấn đề, lập trình). Các bài được sắp xếp từ đơn giản tới phức tạp. Nội dung giáo trình có lấy ví dụ minh họa trên ngôn ngữ C#, nhưng những kiến thức và nội dung của cuốn sách đều mang tính đặc trưng của nguyên lý lập trình hướng đối tượng hiện đại. Để hoàn thiện cuốn giáo trình này, nhóm tác giả đã thống nhất biên soạn nội dung như sau: TS. Nguyễn Văn Hậu (Chủ biên), biên soạn nội dung Chương 1, 2 và 3; TS. Đào Anh Hiển, biên soạn nội dung Chương 4, 5 và 6;
ThS. Nguyễn Hữu Đông biên soạn nội dung Chương 7 và 8.