LỜI NÓI ĐẦU
Nước là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong việc duy trì sự sống và mọi hoạt động của con người trên hành tinh. Việc đáp ứng nhu cầu về nước đảm bảo cả về chất lượng và số lượng là một điều kiện tiên quyết để phát triển bền vững.
Tuy được đánh giá là quốc gia tương đối giàu tài nguyên nước, Việt Nam là một trong nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt trong “cuộc chiến” vì sự phát triển kinh tế và xã hội ngày càng liên quan nhiều đến nguồn nước. Đó là: sự phân phối không đều trong năm, không đều theo vị trí địa lý, chất lượng nước ở các vùng là rất khác nhau. Thiếu nước, suy thoái chất lượng nước và sự tác động đến sinh hoạt và các hoạt động phát triển kinh tế xã hội là những vấn đề cần có sự quan tâm và hành động cụ thể.
Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá Đất nước, các nhu cầu về khai thác tài nguyên thiên nhiên, sử dụng năng lượng ngày càng tăng. Tài nguyên có xu thế cạn kiệt dần, ô nhiễm môi trường tăng lên. Nhu cầu tài nguyên và năng lượng phục vụ dân đô thị ngày càng lớn. Các hoạt động kinh tế xã hội tạo nên rất nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhân loại.
Khẳng định “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước”, Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và kiện toàn, thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước, đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có chung nguồn nước với Việt Nam cũng như hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới và khu vực để quản lý, bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước nhằm góp phần vào tiến trình phát triển bền vững của đất nước cũng như của thế giới và khu vực.
Giáo trình “Bảo vệ và Quản lý tài nguyên nước” được biên soạn lần thứ nhất năm 2009 trên cơ sở nhiệm vụ khoa học công nghệ: Nghiên cứu, biên soạn chương trình đào tạo về bảo vệ, quản lý tổng hợp nguồn nước và viết giáo trình “Bảo vệ và quản lý nguồn nước” để giảng dạy cho các trường đại học và cao đẳng kỹ thuật của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên từ đó đến nay, nhiều văn bản pháp luật Nhà nước như: Luật Tài nguyên nước (2012), Luật Bảo vệ môi trường (2014),… được sửa đổi, một loạt các Nghị định, Thông tư, các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia được ban hành. Vì vậy, giáo trình “Bảo vệ và quản lý tài nguyên nước“ cũng phải được biên soạn lại cho phù hợp. Trong lần tái bản này, tác giả đã thay chương 6: “Quan trắc môi trường nước” vì nội dung này đã được trình bày trong giáo trình “Quy trình quan trắc và phân tích chất lượng môi trường” mà tác giả tham gia biên soạn. Thay vào đó, chương 6 được trình bày vấn đề: Sử dụng hiệu quả và phát triển tài nguyên nước, là nội dung thiết thực của hoạt động quản lý tài nguyên nước hiện nay. Trong tất cả các chương của giáo trình, các văn bản pháp luật, quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như những thông tin mới về sự phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ và quản lý tài nguyên nước đều được cập nhật, bổ sung. Ngoài ra, tác giả cũng đã tiếp thu và chỉnh sửa những bất cập trong cuốn sách xuất bản lần thứ nhất theo các góp ý của các thầy cô giáo bộ môn Cấp thoát nước trường Đại học Xây dựng tham gia giảng dạy môn học “Bảo vệ và quản lý nguồn nước” như: TS Phạm Tuấn Hùng, PGS.TS Trần Thị Việt Nga, ThS. Phạm Duy Đông,.. và các ý kiến khác từ bạn đọc. Tác giả chân thành cảm ơn TS Phạm Tuấn Hùng, TS Nguyễn Hữu Hòa, TS Nguyễn Đức Toàn tham gia hiệu đính cho sự ấn hành lần thứ nhất cuốn sách. Tác giả mong muốn tiếp tục nhận được sự đóng góp ý kiến của anh chị em đồng nghiệp và các bạn đọc đối với cuốn sách để các lần tái bản được hoàn thiện hơn.
Tác giả cảm ơn Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật và trường Đại học Xây dựng đã tạo điều kiện để cuốn giáo trình này được tái bản kịp thời trong dịp Kỷ niệm 60 năm Đào tạo và 50 năm Thành lập trường.
Tác giả