Xây dựng văn hóa đọc cần mệnh lệnh chính trị

Nhiều năm nay, báo chí đã nói nhiều về sự xuống cấp của văn học đọc và các nguyên nhân chủ yếu tác động đến văn hóa đọc là văn hóa nghe và nhìn. Thực tế, phần đa chúng ta đều hời hợt trong đánh giá văn hóa đọc nước nhà cũng như nguyên nhân của nó…
 
Thực trạng văn hóa đọc 
 
. Bởi thế, những người phát ngôn về văn hóa đọc cần dành  thời gian quan sát, xâm nhập thực tế ở các địa phương, ở các trường tiểu học đến đại học để thấy mặt cắt đại diện của văn hóa đọc trong mọi tầng lớp và ở mọi độ tuổi mới để xác chứng cái gọi là văn hóa đọc chúng ta đang ở đâu. Trước 1945, chúng ta có trên 90% dân số mù chữ, người dân không đọc được và cũng chẳng có mấy cuốn sách để đọc. Cơ hội tiếp cận sách chỉ dành cho con nhà địa chủ, con quan lại phong kiến và công chức cho Pháp. Con số người đọc chiếm phần rất nhỏ trong thời Pháp thuộc. Từ 1945-1975, với nền đọc ít ỏi trước đó, với sự ảnh hưởng của chiến tranh, người đọc có tăng lên nhưng rất ít với tiềm năng xã hội vì chúng ta không có nhiều sách để đọc, các trường cấp 1,2 và 3 đã không có thư viện. Người ta chỉ truyền tay nhau các tác phẩm của Tàu, Nga và hiếm ít sách của Phương Tây, Mỹ. Sự đọc của người Việt trong chiến tranh chỉ chiếm trên dưới 20% dân số.
 
Từ 1975 đến nay thì sao? Mười sáu năm bao cấp khó khăn, ngay cả khu vực đô thị, số người được tiếp cận sách còn ít ỏi, người nông thôn thì gần như bằng không. Oái oăm hơn, từ 1986 đến nay, kinh tế đất nước đã đi lên rõ rệt nhưng số học sinh nông thôn được đọc 5 cuốn sách ngoài sách giáo khoa/năm học vẫn là con số ít ỏi. Bởi thư viện trường học, nơi có tiềm năng đọc lớn nhất, gần như đã chết lâm sàng.
 
Qua những cứ liệu sơ bộ trên, tôi khẳng định rằng Việt Nam chưa bao giờ có 50% dân số sở hữu đọc sách như một thói quen.
 
Những việc cần làm ngay
 
Cần cho toàn xã hội biết rằng xây dựng văn hóa đọc trong mỗi cá thể là xây dựng sức mạnh quốc gia. Xây dựng văn hóa đọc là xây dựng dân trí để người Việt sống yêu thương con người và sáng tạo phục vụ tổ quốc và nhân loại.
 
Hệ thống chính trị cần xem thúc đẩy văn hóa đọc là mệnh lệnh chính trị tương tự như đưa ra khoán 10 trong thập niên 1980. Mệnh lệnh chính trị buộc các ông bà hiệu trưởng ở các cấp phải tạo điều kiện cho học sinh đọc sách, khám phá khoa học và thực hành các ý tưởng từ tiểu học. Mệnh lệnh chính trị bằng thêm tiết đọc sách trong chương trình giáo dục. Mệnh lệnh chính trị là giới thiệu sách sau phút giây thiêng  liêng là chào cờ dưới cờ tổ quốc. Mệnh lệnh chính trị là mỗi năm mỗi  học sinh và sinh viên phải đọc ít nhất 20 đầu sách ngoài sách giáo khoa và giáo trình.
 
Điều hệ thống chính trị làm được ngay và luôn là: (I) Bộ Giáo dục & Đào tạo phát hành văn bản áp dụng mô hình tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp em đến tất cả các lớp học trên toàn quốc; (II) Trung ương hội Khuyến học đưa ngay tủ sách dòng họ vào tiêu chí Dòng họ khuyến học; (III) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dịch chuyển vùng hoạt động từ thành phố,  huyện lỵ đến các nhà văn hóa cấp thôn xóm thay vì để sách nằm ngủ ở khu vực đô thị vốn có nhiều gia đình đủ năng lực mua sách cho con cái họ; (IV) Ban Tôn giáo chính phủ cùng với các giáo hội phát hành văn bản nhân rộng tủ sách giáo xứ, giáo họ, tủ sách nhà chùa ra toàn quốc; và Bộ Quốc phòng và Công an có chủ trương nhân rộng tủ sách hậu phương, quê hương chiến sĩ của mình ở nông thôn.
 
Song song với việc đưa ra các chủ trương vĩ mô, nhà nước đưa ra các chiến lược truyền thông để toàn xã hội chung tay giải quyết thực trạng thiếu sách ở nông thôn, truyền thông vận động người gốc nông thôn hành động đưa sách về lớp học  trường cũ, về dòng họ, xứ đạo, nhà chùa, nhà văn hóa, các gia đình sẵn sàng phục vụ cộng đồng.
Những đầu ra trong ngắn và dài hạn 
 
Trước hết, chúng ta cần nhìn thẳng sự thật rằng, trong 40 năm hòa bình mà hệ thống thư viện cấp trường học gần như không hoạt động, bình quân mỗi người dân đọc 0.8 cuốn sách/năm. Chúng ta cũng cần đối mặt với một thực tế rằng hàng chục triệu người dân sống ở nông thôn ở độ tuổi 18 trở lên gần như không biết đọc sách là gì. Và, hơn 10 triệu học sinh nông thôn đang khát sách, các em học sinh đủ năng lực đọc 30 đầu sách/năm học không kể sách giáo khoa và chúng ta đã và đang lãng phí tiềm năng đọc của học sinh trên toàn quốc. Cũng nhìn nhận ra rằng bốn mươi năm qua kể từ khi hòa bình, chúng ta đã siêu lãng phí  nguồn lực nhân văn và sáng tạo quốc gia bởi nhiều ngàn tỷ trang sách đã không được đọc.
 
Nhận dạng những thiếu sót trên và nếu hệ thống chính trị vào cuộc thúc đẩy văn hóa đọc trên quy mô quốc gia bằng những chủ trường cần như đã nêu thì chúng ta có được các đầu ra, gồm: (I) Người dân, đặc biệt là tầng lớp trí thức trong và ngoài nước sẽ ủng hộ chính phủ và họ sẽ góp sức cho tiến trình khai trí kiến quốc; (II) Hệ thống thư viện rộng khắp sẽ được hình thành và người dân được tiếp cận sách ở khắp mọi nơi mà nhà nước không mất một đồng ngân sách nào; (III) Đánh thức được lượng cầu sách ở nông thôn với mỗi năm trên 1.000 tỷ đồng giúp ngành xuất bản phát triển mạnh và chất lượng hơn; (iv) Nền tảng nhân văn và sáng tạo quốc gia được dựng xây, đưa đất nước vào vị thế mới, vị thế của quốc gia nhân văn và sáng tạo. q
 
 NGUYỄN QUANG THẠCH 
 
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *