Viện Ứng dụng Công nghệ, Bộ KH&CN: Lĩnh vực công nghiệp quốc phòng là hướng đi chiến lược

 
ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ
 
Từ khi thành lập đến nay, Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) luôn “theo đuổi” nghiên cứu công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng (CNQP). Với những thành công đã đạt được, viện đã được Tổng cục CNQP (Bộ Quốc phòng) tin tưởng, trao trọng trách trong việc tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu những ứng dụng mới trong lĩnh quốc phòng.
 
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ về vấn đề này.
 
Thành công từ sự tin cậy
 
Phóng viên (PV): Viện Ứng dụng Công nghệ vừa được Tổng cục CNQP trao Giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia hoạt động CNQP. Ông đánh giá thế nào về việc này?
 
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Việc được trao Giấy chứng nhận vừa qua là một bước tuân thủ quy định của Bộ Quốc phòng về việc tham gia hoạt động CNQP của các đơn vị dân sự. Đây là sự ghi nhận về quá trình hợp tác cùng phát triển các sản phẩm, giải pháp, công nghệ của viện trong lĩnh vực quân sự. Ngay từ những ngày đầu thành lập, hơn 30 năm trước, viện đã được tin tưởng, giao các nhiệm vụ tham gia vào xây dựng tiềm lực kỹ thuật, công nghệ ứng dụng trong các khí tài của nhiều quân, binh chủng. Với một tổ chức dân sự, chúng tôi nhìn nhận lĩnh vực CNQP là một thị trường quan trọng có tính chiến lược trong tầm nhìn phát triển của viện cả trước đây và sau này.
 
Các sản phẩm, giải pháp của viện trong một chặng đường dài vừa qua là tâm huyết, sự tích tụ của nhiều thế hệ cán bộ; của sự hợp tác gắn bó giữa viện và các cơ quan kỹ thuật, các quân, binh chủng thuộc Bộ Quốc phòng. Sự tiếp tục tin cậy qua việc cấp Giấy chứng nhận vừa qua chính là chứng chỉ thành công của quá trình tham gia của viện trong lĩnh vực quốc phòng.
 
PV: Viện đã có những nghiên cứu, ứng dụng gì nổi bật trong lĩnh vực quốc phòng, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Thời gian qua, chúng tôi tập trung vào công nghệ laser; hệ thống thu và xử lý hồng ngoại; công nghệ màng mỏng quang học; các giải pháp liên quan đến hệ thống radar; các ứng dụng mô phỏng, giả lập trong đào tạo huấn luyện. Lĩnh vực vật liệu tiên tiến, chúng tôi có một số giải pháp ứng dụng trong các thiết bị khí tài, phục vụ cho bộ binh, hải quân. Một số sản phẩm đã được Bộ Quốc phòng ghi nhận và đã được chuyển giao như: Hệ thống đo xa bằng laser, hệ thống quan trắc quang học bằng hồng ngoại, thiết bị huấn luyện, linh kiện quang học hồng ngoại…
 
Một trong những công việc chúng tôi đang tham gia sâu, đó là hiện đại hóa các hệ thống radar theo hướng nâng cao độ phân giải, độ phát quét, giảm kích thước và bảo đảm hoạt động ổn định trong môi trường khí hậu nhiệt đới ở nước ta. Bên cạnh đó, chúng tôi tham gia vào chương trình cải tiến chức năng của kênh thu cao tần radar và thiết kế hệ thống hiển thị sơ cấp của hệ thống radar P18 trên màn hình dân dụng; các hệ thống thông tin chỉ huy vô tuyến điện phục vụ công tác lãnh đạo, cảnh báo di chuyển bằng sóng siêu âm; cung cấp giải pháp thiết bị trắc thủ pháo binh trên sa bàn mô phỏng, thiết bị giải mã tái hiện quy trình bay trên màn hình máy tính nhằm đánh giá việc thực hành bay của phi công trong buồng tập bắn tên lửa; huấn luyện cho phi công sử dụng tên lửa không đối không… Trong lĩnh vực điều khiển, chúng tôi cùng tham gia xây dựng hệ thống bám sát tự động mục tiêu bằng ảnh hồng ngoại cho tác chiến tên lửa; hệ thống cảnh giới tầm xa cho đài điều khiển tên lửa Volga; hệ thống phục vụ chiến đấu ban đêm tự động; máy chỉ huy phục vụ đánh đêm trong pháo phòng không. Một trong những giải pháp mà chúng tôi đã chuyển giao rất thành công đó là các thiết bị mô phỏng phục vụ huấn luyện bắn đạn thật; thiết bị mô phỏng trường bắn mini trong nhà…
 
Đồng hành với đối tác
 
PV: Từ những nghiên cứu đến ứng dụng thành công vào thực tiễn là một khoảng cách khá xa. Vậy viện và nhóm nghiên cứu đã có những biện pháp gì để thu hẹp khoảng cách này?
 
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Theo tôi, từ nghiên cứu đến ứng dụng thành công vào thực tiễn không chỉ là một khoảng cách xa mà nhiều khi không bao giờ tới. Tuy nhiên, những kinh nghiệm thành công đã chỉ rõ, để nhanh chóng tiến lại gần với thực tiễn, để các sản phẩm mà chúng tôi cung cấp đến được với địa chỉ sử dụng thì một trong những giải pháp mang tính chất quyết định là sự vào cuộc sớm, đồng hành với đối tác ngay từ những ngày đầu. Sự kết nối thường xuyên giữa viện và các đối tác đã giúp các giải pháp của viện nhanh chóng được ứng dụng vào thực tiễn. Trong lĩnh vực CNQP, hợp tác sớm là vấn đề mang tính nguyên tắc. Nếu không tham gia vào ngay từ đầu thì không thể nắm được thực tiễn. Những sản phẩm kể trên chính là sự khẳng định cho quá trình hợp tác lâu dài giữa viện với các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Để theo đuổi những dòng sản phẩm này phải mất hàng chục năm. Sự tin cậy của Bộ Quốc phòng là giá trị gia tăng lớn nhất mà viện đã tích lũy được.
 
Quá trình hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng đã có lịch sử lâu dài và đã có những bài học thành công. Việc có thêm Giấy chứng nhận là cam kết tăng cường trách nhiệm, tiếp tục đẩy mạnh và là sự cam kết mãnh mẽ cùng tham gia hiện đại hóa CNQP. Về cơ sở pháp lý, đây như một giấy thông hành quan trọng. Với những dòng sản phẩm truyền thống thì đây là khẳng định sự hợp tác tường minh.
 
PV: Ông có thể cho biết, trong thời gian tới, viện triển khai những nghiên cứu ứng dụng gì nổi bật?
 
Ông Nguyễn Mạnh Cường: Quan điểm của viện là vẫn phát triển các sản phẩm truyền thống và mở rộng theo định hướng gắn kết chặt chẽ với thị trường, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành cùng phát triển. Chính vì vậy, các dòng sản phẩm trong lĩnh vực quốc phòng vẫn là hướng chiến lược của viện. Ngoài ra, viện tiếp tục phát triển một số ứng dụng có tiềm năng như: Quang điện tử, điện tử chuyên dụng ứng dụng trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải, thăm dò và khai thác dầu khí, thiết bị y tế và sẽ mở rộng các ứng dụng trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; thúc đẩy, mở rộng tham gia vào lĩnh vực khoa học sự sống như: Công nghệ sinh học trong phục vụ nông nghiệp; lĩnh vực bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và công nghệ y sinh.
 
Ví dụ như trong lĩnh vực quang điện tử ứng dụng, chúng tôi đang tham gia vào nghiên cứu hệ thống giao thông thông minh ITS. Đây là hệ thống tích hợp, phức hợp rất nhiều công nghệ như: Hệ thống xử lý hình ảnh thời gian thực, hệ thống trung tâm chỉ huy, hệ thống thông tin liên lạc… Trong đó các hệ thống quang điện tử là một trong những hệ thống nền tảng…
 
PV: Xin cảm ơn ông!
 
Nguồn tin: http://www.qdnd.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *