Ươm mầm tài năng khoa học

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học (ViSEF) năm học 2015 – 2016 sẽ diễn ra tại Hải Phòng (ngày 5 – 8.3) và Đồng Nai (12 – 15.3). Không chỉ khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, những dự án đoạt giải cao sẽ được tham gia Intel ISEF – cuộc thi quốc tế lâu đời nhất và lớn nhất dành cho học sinh trung học trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật.
Ông Đỗ Hoàng Sơn, thành viên Ban giám khảo ViSEF 2012, tham gia huấn luyện các đội tuyển của Việt Nam thi Intel ISEF năm 2012 – 2013 cho biết:
 
– Năm 2012, lần đầu tiên chúng ta tổ chức cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. Khi đó, cuộc thi vẫn còn lạ lẫm, cả nước mới có hơn 50 dự án của học sinh. Giám khảo cũng chỉ có 16 người. Chất lượng dự án không đồng đều. Học sinh tham gia chỉ vì đam mê khoa học. Nhưng đáng mừng là ngay năm đó, nhóm tác giả giành giải Nhất quốc gia sau đó đã đạt giải Nhất Intel ISEF trong lĩnh vực Kỹ thuật Điện và Cơ khí. Những năm tiếp theo, các đội tuyển của Việt Nam đều giành giải tại Intel ISEF, năm 2013, 2014, mỗi năm Việt Nam giành 2 giải Tư lĩnh vực, năm 2015 giành 1 giải Tư lĩnh vực và 1 giải phụ.
 
 
Học sinh Việt Nam tại Intel ISEF 2013
Sân chơi gần như vô tận
 
– ViSEF có ý nghĩa thế nào đối với học sinh cũng như giáo dục Việt Nam, thưa ông?
 
  Theo ông Đỗ Hoàng Sơn, Tổng thống Mỹ Obama đặc biệt quan tâm tới giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán), đã nâng lên cấp chiến lược của chính phủ liên bang, trong đó có kế hoạch chi 43 tỷ USD để đào tạo và đào tạo lại 100.000 giáo viên phổ thông để giảng dạy STEM, tạo ra 1 triệu việc làm liên quan đến STEM. Intel ISEF là cuộc thi về STEM lớn nhất của học sinh trung học Mỹ và thế giới. Tham gia Intel ISEF, giáo dục Việt Nam đã hội nhập với thế giới trong lĩnh vực khoa học – kỹ thuật, các chuyên gia tương lai của Việt Nam được hội nhập với các chuyên gia tương lai của thế giới. Bởi 66 năm qua, Intel ISEF đã ươm mầm rất nhiều tài năng được giải Nobel, Field…
 
– Cuộc thi góp phần đổi mới giáo dục. Học sinh và giáo viên được kích hoạt tham gia làm quen với một lĩnh vực mới, lạ theo tiêu chuẩn của Mỹ. Đến 2014 – 2015, ở cấp tỉnh, thành phố đã có khoảng 5.000 dự án và cấp quốc gia có gần 400 dự án, của cả hai miền (năm nay cấp quốc gia có hơn 400 dự án). Số lượng người quan tâm đến cuộc thi đã tăng lên rất nhiều. Việc được tham gia nghiên cứu khoa học ở tất cả các lĩnh vực như thế này, học sinh sẽ không bị giới hạn trong khuôn khổ sách giáo khoa, giáo viên cũng vậy, đồng thời tạo ra sân chơi mới gần như vô tận. Cuộc thi cũng góp phần ươm mầm những tài năng khoa học – kỹ thuật, và khởi nghiệp.
 
– Số lượng dự án tăng lên rõ rệt, nhưng nếu nhìn vào thành tích như ông vừa nêu, có vẻ chất lượng dự án theo tiêu chuẩn quốc tế lại giảm, thưa ông?
 
– Nếu so với Intel ISEF ra đời cách đây 66 năm, mỗi năm thu hút 8 triệu học sinh trên toàn thế giới tham gia, riêng vòng chung kết ở Mỹ có 1.700 học sinh, thì ViSEF vẫn còn khoảng cách khá xa. Thực tế, Bộ GD – ĐT cũng đã nhận ra điều này và năm nay quyết định đổi mới để cuộc thi tiệm cận các tiêu chuẩn của thế giới, từ quy trình đến thời gian. Bộ GD – ĐT đã mời các chuyên gia từng học ở Mỹ để tư vấn trong quá trình chuẩn bị. Cuộc thi năm nay có những thay đổi đáng kể. Đầu tiên, từ 17 lĩnh vực đã nâng lên 20 lĩnh vực, trong đó có nhiều lĩnh vực mới. Thứ hai, thời gian thi tăng từ 3 ngày lên 4 ngày, giúp giám khảo có nhiều thời gian hơn để đánh giá các dự án. Thứ ba, quy chế cuộc thi đã bám tương đối sát quy chế của Mỹ, cả về mặt thủ tục và cách ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, vòng chung kết chỉ thi bằng tiếng Anh và chỉ những dự án giành giải Nhất lĩnh vực mới được thi chung cuộc.
 
Thiếu khát vọng nghiên cứu toán
 
– Việt Nam thường giành giải cao trong các cuộc thi Olympic toán quốc tế, nhưng trong các đội tuyển quốc gia đi thi Intel ISEF những năm qua, chưa có đội nào liên quan đến Toán học. Ông bình luận thế nào về điều này?
 
– Với cá nhân tôi, đây là điều đáng tiếc. Tôi luôn mong Việt Nam hai tay hai súng, đạt thành tích cao cả ở cuộc thi Olympic và Intel ISEF trong lĩnh vực toán học, như thế mới thể hiện sự hội nhập toàn diện của Việt Nam với thế giới. Năm ngoái, đọc kết quả Intel ISEF tôi thấy hơi buồn khi Indonesia giành 1 giải Tư lĩnh vực toán học, trong khi toán học Việt Nam được đánh giá đứng đầu khu vực ASEAN.
 
Toán học rất quan trọng. Tất cả nghiên cứu khoa học khi kết luận đều phải có yếu tố toán học để so sánh, đo lường hiệu quả của nó, nếu không thì coi như không đạt yêu cầu. Những năm qua, chúng tôi đã cố gắng đi tìm giáo viên, học sinh trong lĩnh vực này, sẵn sàng dạy miễn phí, nhưng chỉ tìm được một số giáo viên, còn không có học sinh nào. Các chuyên gia cho rằng, trong lĩnh vực toán, việc đào tạo khá mất công (khoảng một năm rưỡi) để tăng kiến thức cho các em. Bởi để tìm ra cái mới trong toán học vô cùng khó, ngay cả với học sinh thế giới. Bên cạnh đó, học sinh phải có vốn tiếng Anh tương đối tốt để tự nghiên cứu.
 
– Có điều kiện tiếp xúc nhiều với học sinh trường chuyên, theo ông, làm thế nào để thu hút học sinh chuyên toán quan tâm đến Intel ISEF?
 
– Quan trọng nhất là nhận thức của học sinh và phụ huynh học sinh. Để làm nghiên cứu, phải có khát vọng. Người Việt Nam có năng lực về toán nhưng dường như chưa có khát vọng nghiên cứu toán. Nếu so với cuộc thi Olympic, mức độ cạnh tranh của Intel ISEF không bằng nhưng khó hơn nhiều, vượt lên trên tất cả những gì các nhà toán học đang làm, vì phải tìm ra cái mới, ở phạm vi hẹp hơn.
 
– Xin cảm ơn ông!
 
N. Linh thực hiện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *